Thứ Năm, 3 tháng 7, 2014

Thuốc chữa bệnh từ cây sa nhân

Sa nhân là loại cây mọc hoang rất nhiều ở vùng rừng núi, dưới tán cây râm mát, tiếng Tày còn gọi là mác nẻng, tiếng Thái là co nénh. Bộ phận dùng làm thuốc là hạt quả. Thu hái quả thường vào mùa hè, bóc vỏ quả lấy hạt bên trong, phơi hay sấy khô dùng dần.
Sa nhân thuộc loại cây thân thảo cao 2 - 3m, nhìn gần giống như cây riềng nhưng rễ không phát triển thành củ mà bò lan dưới lớp đất mỏng, có khi nổi lên trên mặt đất. Lá mọc so le có bẹ dài, phiến lá hình trái xoan, mặt lá xanh thẫm, láng bóng. Hoa màu trắng, đốm tía, mọc thành chùm. Quả cuống ngắn có gai, hình tròn hoặc trứng dài có 3 ô mang 3 khối hạt màu nâu sẫm, mùi thơm nồng. Sa nhân có nhiều loại, Đông y thường sử dụng chủ yếu là hai loài sa nhân tím và sa nhân trắng vì có giá trị dược liệu cao.
Theo y học cổ truyền, sa nhân có vị cay, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng hành khí, hóa thấp, kiện tỳ, kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa. Thường dùng chữa ăn không tiêu, đau bụng, đầy trướng, tiêu chảy, nôn mửa, an thai,...
Thuốc chữa bệnh từ cây sa nhân
Cây và vị thuốc sa nhân
Một số đơn thuốc thường dùng:
Bụng đầy trướng, ăn không tiêu, đại tiện khó: Sa nhân 6g, cháy cơm 150g, thần khúc12g, sơn tra 12g, hạt sen 12g, kê nội kim 3g, gạo tẻ 300g, các vị sao thơm tán mịn cho thêm đường uống 12g, uống 2 - 3 lần/ngày.
Chữa tiêu chảy (bụng sôi, lạnh, chướng đau bụng ở vùng hạ vị, phân sống, kém ăn, chậm tiêu, tay chân lạnh): Sa nhân, nhục quế, can khương, vỏ rụt, vỏ quýt mỗi vị 8g; bố chính sâm, tục đoạn, củ mài sao, phá cố chỉ mỗi vị 12g. Tất cả tán bột, mỗi ngày uống 20g.
Thai nghén hay nôn: Sa nhân (sao qua, nghiền mịn) 3g; gạo tẻ 30g nấu cháo, khi cháo chín cho bột sa nhân vào trộn đều, đun nhỏ lửa thêm một lúc nữa là được. Ăn nóng vào lúc sáng sớm và buổi tối trước khi ngủ.
Hoặc: Sa nhân 3g, cá diếc 1 con, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Cá diếc đánh vảy, bỏ ruột và mang, rửa sạch, cho sa nhân vào trong bụng rồi kho nhừ, chế đủ gia vị, ăn nóng. Công dụng: Lý khí ôn vị, tiêu thũng cầm nôn. Dùng cho thai phụ nôn mửa, tinh thần mỏi mệt, tay chân rã rời, có thể có phù nhẹ hai chi dưới.
Giảm đau nhức răng do sâu răng: Ngậm sa nhân hoặc tán bột chấm vào răng đau.
Hỗ trợ viêm loét dạ dày mạn tính: Sa nhân 6g; dạ dày lợn 1 cái, dạ dày rửa sạch, thái chỉ, cùng với sa nhân nấu thành món canh; ăn dạ dày và uống nước canh. Dùng 10 ngày một liệu trình.
Hỗ trợ viêm đại tràng mạn tính: Sa nhân 1g (tán bột), mộc hương 1g (tán bột), bột sắn dây 30g, đường cát lượng vừa đủ. Sa nhân, mộc hương, sắn dây thêm nước quấy đều, cho thêm đường nấu cháo ăn. Ngày ăn 2 lần.
Chú ý: Người âm hư nội nhiệt không nên dùng.

Bác sĩ  Nguyễn Thị Nga

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Lá xương sông chữa viêm họng, thanh quản

Viêm họng thanh quản là tình trạng tổn thương do viêm nhiễm niêm mạc vùng hầu họng, thanh quản. Có nhiều nguyên nhân khác nhau như ô nhiễm môi trường, thời tiết thay đổi bất thường, cơ thể không thích nghi kịp thời gây đau rát khó chịu vùng hầu họng, thậm chí làm mất tiếng.
Viêm họng thanh quản gặp ở những người làm việc với cường độ giao tiếp cao hay ô nhiễm như: giáo viên, ca sĩ, luật sư, công nhân mỏ, đốt lò... Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng... Tuy nhiên, viêm họng thanh quản hoàn toàn có thể phòng và trị được. Xin giới thiệu bài thuốc kinh nghiệm chữa viêm họng, thanh quản từ lá xương sông để độc giả tham khảo áp dụng khi cần thiết.
Lá xương sông bánh tẻ 5 - 10 lá. Giấm ăn 20 - 30ml (giấm nuôi bằng chuối là tốt nhất). Lá xương sông rửa sạch để ráo nước, đập nhẹ cho ra tinh dầu nhúng giấm. Súc miệng bằng nước muối nhạt (0,9%) rồi ngậm nuốt nước dần ngày 2 – 3 lần cho tới khi khỏi, thường là 5 – 7 ngày bệnh sẽ tiến triển rõ rệt. Kinh nghiệm cho thấy, bài thuốc có tác dụng tốt với các chứng bệnh: viêm họng cấp mạn tính, viêm amiđan, viêm thanh quản kể cả đã mất tiếng... Tại sao xương sông kết hợp với giấm lại trị được viêm hầu họng, thanh quản?

Xương sông vị cay, tính bình, có tác dụng khu phong trừ thấp
Theo YHHĐ, lá xương sông chứa tinh dầu (0,24%), methylthymol (94,96%), p-cymen (3,28%), limonene  (0,12%). Trong giấm, thành phần chính là acid acetic (acid acetic có tác dụng ức chế, diệt khuẩn rất tốt, đặc biệt là các vi khuẩn như: Streptococcus, Diplococcus pneumoniae, Staphylococcus...).
Theo Đông y, xương sông vị cay, tính bình, có tác dụng khu phong trừ thấp; tiêu thũng chỉ thống, thông kinh hoạt lạc. Thích dụng để trị các chứng bệnh: cảm sốt, ho, viêm họng, viêm phế, thanh quản; trắng lưỡi, viêm miệng; đầy bụng đi ngoài, nôn mửa; đau nhức xương khớp, mày đay, sốt co giật ở trẻ em... Theo y văn cổ, giấm đã được xếp vào vị thuốc chữa bệnh, đặc biệt là kháng viêm từ hơn 2000 năm trước, kinh nghiệm cho thấy giấm vị đắng chua, tính ấm, quy kinh can, vị, có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, sơ thông hầu họng, tiêu thũng, giải độc, sát khuẩn, chỉ huyết (cầm máu)...
Chính vì vậy, khi phối hợp hai vị thuốc này với nhau trở thành một phương thuốc kháng viêm, giảm đau, chống phù nề tiêu ứ trệ đem lại cảm giác dễ chịu và tiếng nói thanh thoát cho những ai mắc bệnh trên.
Cần chú ý: Bài thuốc này chỉ chữa được chứng viêm họng, thanh quản thể thông thường, người bệnh cần khám cụ thể để phát hiện những căn nguyên và biến chứng như: nhân xơ thanh quản, u hay K vòm họng...
Trong quá trình điều trị, cần giữ ấm cổ, mũi họng, răng miệng, nhất là khi thay đổi thời tiết, không ăn uống đồ lạnh, đồ ướp đá, uống đủ nước
Theo SK&ĐS


Kết hợp diệp hạ châu đắng, nhân trần, vọng cách để bảo vệ gan tốt nhất

Trong dân gian có nhiều loại thảo dược được sử dụng để làm mát gan, giải độc gan, hạ men gan… Trong số đó, diệp hạ châu đắng, vọng cách và nhân trần được đánh giá là 3 loại thảo dược hàng đầu có công dụng bảo vệ gan hiệu quả. 
Diệp hạ châu đắng
Loại thảo dược này được coi là thứ thuốc tự nhiên tốt nhất hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. Theo y học cổ truyền, Diệp hạ châu đắng có vị rất đắng, tính mát, có tác dụng làm mát gan, giải độc cho gan, kích thích tiêu hóa, chữa viêm... Còn theo y học hiện đại, chất đắng trong Diệp hạ châu đắng làm gia tăng lượng Glutathione - chất bảo vệ gan thường bị thiếu trầm trọng ở những người thường xuyên sử dụng bia rượu.
Năm 1995, các nhà khoa học Brazil phát hiện tác dụng khác của Diệp hạ châu đắng có thể chữa viêm gan, tổn thương gan do bia rượu vì trong loại cây này có chứa chất acid gallic.
Ðối với viêm gan siêu vi, Diệp hạ châu đắng có tác dụng làm hạ men gan, tăng cường chức năng gan và ức chế sự phát triển của virus gây viêm gan.
Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, những tác nhân gây viêm gan hoặc hoại tử tế bào gan thường bắt đầu từ sự gia tăng quá trình peroxide hóa lipid ở màng tế bào. Diệp hạ châu đắng có hàm lượng những chất chống oxy hóa có khả năng ức chế rất mạnh quá trình peroxide hóa ở gan.
Diệp hạ châu đắng thường được sử dụng phối hợp với một số thảo dược khác để tăng cường công dụng bảo vệ gan. Trong đó, Diệp hạ châu đắng kết hợp với Vọng cách và Nhân trần được coi là công thức vàng  giúp bảo vệ gan tối ưu.

Cây diệp hạ châu
Vọng cách
Cây Vọng cách có tác dụng làm giảm rõ rệt những triệu chứng dễ mắc phải khi sử dụng bia rượu thường xuyên như các chứng viêm đường tiêu hóa, rối loạn đường tiêu hóa - đau bụng, đi ngoài, đầy bụng, ăn uống không tiêu.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra tác dụng chống viêm gan của Vọng cách. Một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện dược liệu, Viện khoa học công nghệ, phối hợp cùng 2 trường Đại học Y và Dược Hà Nội đã chứng minh lá Vọng cách có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau.
Nhân trần
Nhân trần là vị thuốc đã quá quen thuộc đối với người Việt Nam, nó được biết tới ở khả năng làm mát gan, giải độc cho gan đặc biệt hiệu quả. Nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật; bảo vệ tế bào gan và phòng chống tích cực tình trạng gan nhiễm mỡ.
Lần đầu tiên, ba loại thảo dược ưu tú nhất trong công dụng bảo vệ và hỗ trợ điều trị bệnh gan được kết hợp trong cùng một sản phẩm Hamega, được sản xuất từ nguồn dược liệu sạch và chế biến theo quy trình chuẩn hóa GMP.
Sử dụng Hamega hằng ngày giúp hạ men gan, giải độc gan một cách nhanh chóng và an toàn. Đặc biệt, uống 4 viên Hamega ngay trước và 4 viên ngay sau khi uống rượu bia sẽ có tác dụng giảm các triệu chứng khó chịu như tiêu hóa kém, mệt mỏi, nhức đầu; đồng thời tạo ra bức “bình phong kín” ngăn chặn ảnh hưởng của chất cồn độc gây hại cho gan.
Bên cạnh đó, Hamega còn giúp làm mát gan và hỗ trợ chữa các bệnh về gan như viêm gan B, gan nhiễm mỡ, dị ứng... Hamega nên được sử dụng liên tục từ 6 - 8  tuần để đạt được tác dụng mong muốn.
Theo Thanhnien


Lá dâu: Mát gan, sáng mắt

Lá dâu là vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền, vị đắng ngọt, tính hàn; vào phế và can.
Lá dâu còn gọi tang diệp, là lá của cây dâu tằm, loại cây được nhân dân ta nuôi trồng từ lâu đời để nuôi tằm. Lá dâu là vị thuốc phổ biến trong y học cổ truyền, vị đắng ngọt, tính hàn; vào phế và can. Có tác dụng phát tán phong nhiệt, thanh can minh mục, thanh phế chỉ khái. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, đau đầu, đau mắt đỏ, viêm khí phế quản, ho khan ít đờm, khát nước khô miệng.

Dâu tằm
Cách dùng tang diệp làm thuốc:
Tán nhiệt, giải biểu:
Dùng nước tang cúc: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, liên kiều 12g, bạc hà 4g, cam thảo 4g, hạnh nhân 12g, cát cánh 8g, lô căn 20g. Sắc uống. Dùng cho các chứng cảm mạo phong nhiệt mới phát, miệng khát, rêu lưỡi hơi vàng hoặc ho do phong ôn.
Mát gan, sáng mắt: Chứng phong nhiệt ở kinh can, mắt đỏ sưng đau.
Bài 1: tang diệp 12g, cúc hoa 12g, thảo quyết minh 8g. Sắc uống. Trị viêm màng tiếp hợp, mắt đỏ sưng đau.
Bài 2: tang diệp 63g, mang tiêu 12g. Sắc lá dâu lấy 500ml nước, bỏ bã, hoà tan mang tiêu, rửa mắt khi còn ấm. Trị đau mắt hột, đau mắt, ngứa mắt.
Mát phổi, dịu ho do phong nhiệt, đờm vàng đặc hoặc ho khan không đờm: Dùng Thang tang hạnh: tang diệp 8g, hạnh nhân 12g, bối mẫu 8g, đậu xị 4g, chi tử bì 8g, lê bì 8g, sa sâm 8g. Sắc uống. Trị ho khan không đờm do khí hanh mùa thu, đau đầu, phát sốt, lưỡi đỏ.
Hạ huyết áp: tang diệp 20g, tang chi 20g, sung uý tử 20g, thêm 1.000ml nước, sắc lấy 600ml; ngâm rửa chân 30-40 phút trước khi ngủ.
Món ăn - bài thuốc có tang diệp
Bài 1: Trà tang diệp, cúc hoa, bạc hà, cam thảo: tang diệp 10g, cúc hoa 10g, bạc hà 10g, cam thảo 10g. Cho nước sôi pha hãm uống thay nước trà. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt.
Bài 2: Trà tang diệp, cúc hoa, kỷ tử, quyết minh tử: tang diệp 9g, cúc hoa 9g, kỷ tử 9g, quyết minh tử 6g, pha nước sôi uống thay trà. Dùng cho các trường hợp đau đầu hoa mắt chóng mặt.
Bài 3: Tang cúc - đạm trúc ẩm: tang diệp 6g, cúc hoa 6g, đạm trúc diệp 30g, bạch mao căn 30g, bạc hà 4g; hãm với nước sôi thêm chút đường uống thay trà. Dùng cho các trường hợp sốt nóng, ho khan ít đờm, vã mồ hôi do cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc mắt cấp tính.
Bài 4: Cháo tang diệp - cúc hoa: tang diệp 10g, cúc hoa 12g, đậu xị 10g, gạo tẻ 60g. Các dược liệu nấu sắc lấy nước, gạo đem nấu cháo, cháo chín cho nước sắc vào nấu tiếp cho sôi đều, cho ăn nóng. Dùng cho các trường hợp đau nhức vùng mắt do viêm kết mạc mắt, đau dây thần kinh V do chấn thương vùng mặt.
Bài 5: Phổi lợn hầm tang diệp, huyền sâm: phổi lợn 250g, tang diệp 15g, huyền sâm 20g. Tang diệp, huyền sâm gói trong vải xô, phổi lợn rửa sạch thái lát. Tất cả hầm kỹ, bỏ túi dược liệu ra, thêm gia vị thích hợp để ăn. Đợt dùng liên tục 5-10 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm tắc tuyến lệ gây viêm khô kết mạc mắt.
Liều dùng hằng ngày 6 - 15g dưới dạng nấu, hãm, sắc uống.
Theo Eva.vn


Dâu tằm trị ho, cao huyết áp, đau khớp

Dược liệu dâu tằm bao gồm nhiều bộ phận của cây dâu: lá (tang diệp), cành (tang chi), quả (tang thầm), vỏ rễ (tang bạch bì) và tầm gửi cây dâu (tang ký sinh).
Tác dụng
Cao nước lá và thân cây dâu ức chế một số vi khuẩn gram dương và men. Vỏ rễ và lá dâu có tác dụng gây hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên và an thần. Các hoạt chất moracemin A, B và D từ vỏ rễ dâu có tác dụng chống tăng huyết áp trên thực nghiệm. Cao chiết và hoạt chất moran A từ vỏ rễ dâu có tác dụng hạ đường huyết ở động vật được gây đái tháo đường bằng alloxan.
Công dụng
Vỏ rễ dâu điều trị ho có đờm, hen, ho ra máu, sốt, tăng huyết áp, trẻ em ho gà, phù thũng, bụng trướng to, tiểu tiện không thông. Ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 20 – 40g, dạng thuốc sắc hay uống bột.
Lá dâu chữa cảm mạo, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, mắt đỏ, phát ban, tăng huyết áp, mất ngủ. Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc.
Cành dâu chữa phong thấp, đau nhức các khớp xương, cước khí, sưng lở, chân tay co quắp. Ngày dùng 6 – 12g, có khi đến 40 – 60g, dưới dạng thuốc sắc.
Quả dâu chữa đái tháo đường, lao hạch, mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tai sáng mắt, trẻ lâu. Quả dâu vắt lấy nước cô thành cao mềm, ngày uống 12 – 20g. Sirô quả chín bôi chữa đau họng, loét mồm, lở lưỡi.
Tang ký sinh chữa đau lưng, đau mình, chân tay tê bại, động thai, sau khi đẻ ít sữa. Ngày dùng 12 – 20g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc có dâu tằm
1. Chữa viêm phế quản cấp và đợt cấp của viêm phế quản mạn tính:
a. Tang diệp 16g; tang bạch bì, rau má, mỗi vị 12g; rễ cây chanh, bạc hà, cúc hoa, lá hẹ, rễ chỉ thiên, mỗi vị 8g, bán hạ chế 6g, xạ can 4g. Sắc uống ngày một thang.
b. Tang diệp 12g; tang bạch bì, hạnh nhân, tiền hồ, chi tử, sa sâm, mỗi vị 8g, cam thảo 6g, bối mẫu 4g. Sắc uống ngày một thang.
c. Tang diệp, cúc hoa, liên kiều, ngưu bàng tử, hạnh nhân, tiền hồ, mỗi vị 12g, cát cánh 8g, bạc hà 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
2. Chữa viêm phế quản cấp tính: Tang bạch bì 12g, thạch cao 16g; mạch môn, lá tre, sa sâm, thiên môn, hoài sơn, mỗi vị 12g, lá hẹ 8g. Sắc uống ngày một thang.
3. Chữa hen nhiệt:
a. Tang bạch bì, thiên môn, mạch môn, ô mai, bách bộ, tiền hồ, thạch cao, mỗi vị 12g; bán hạ chế 8g, trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang.
b. Tang bạch bì 20g; hạnh nhân, hoàng cầm, mỗi vị 12g, bán hạ chế 8g, ma hoàng 6g, cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
4. Chữa khản tiếng, nói không ra tiếng:
a. Tang diệp, tang bạch bì, kinh giới, địa cốt bì, mỗi vị 12g; hạt tía tô, bán hạ chế, mỗi vị 8g, trần bì 6g. Sắc uống ngày một thang.
b. Tang bạch bì, lá tre, trúc nhự, mỗi vị 12g, thổ bối mẫu 10g; thanh bì, cát cánh, mỗi vị 8g, nam tinh chế 6g, gừng 4g. Sắc uống ngày một thang.
5. Chữa ho khan nhiều, khản tiếng: Tang bạch bì 8g, sa sâm, thiên môn, mạch môn, bố chính sâm, mỗi vị 12g; ngưu bàng tử, sinh địa, địa cốt bì, mỗi vị 8g, mẫu đơn bì 6g. Sắc uống ngày một thang.
6. Chữa ho ra máu: Vỏ rễ dâu, thiên môn, cúc hoa, cỏ nhọ nồi, mạch môn, quả dành dành, sinh địa, trắc bách diệp, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
7. Chữa ho gà: Vỏ rễ dâu, mạch môn, mỗi vị 12g; bách bộ, rau sam, húng chanh, mỗi vị 10g. Sắc uống hoặc chế thành sirô uống ngày một thang.
8. Chữa tăng huyết áp:
a. Tang ký sinh 16g; chi tử, câu đằng, ngưu tất, ý dĩ, mã đề, mỗi vị 12g; xuyên khung, trạch tả, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
b. Tang ký sinh 20g, rau má 30g; hoa hòe, lá tre, cỏ tranh, mỗi vị 20g; cỏ nhọ nồi, hạt muồng, mỗi vị 16g, ngưu tất 12g, hạ khô thảo 10g, tâm sen 8g. Sắc uống ngày một thang.
9. Chữa tăng huyết ở người cao tuổi: Tang ký sinh 12g, mẫu lệ 20g, hà thủ ô 16g; quả dâu chín, kỷ tử, sinh địa, ngưu tất, mỗi vị 12g, trạch tả 8g. Sắc uống ngày một thang.
10. Chữa tăng huyết áp và tăng cholesterol máu: Tang ký sinh, câu đằng, hòe hoa, thiên ma, ngưu tất, ý dĩ, mỗi vị 16g, bạch truật 12g, phục linh 8g; bán hạ chế, cam thảo, trần bì, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.
11. Chữa xơ cứng động mạch vành: Tang ký sinh 16g, hà thủ ô 20g; kỷ tử, hoàng tinh, mỗi vị 16g; thục địa, thạch hộc, quy bản, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.
12. Chữa viêm khớp dạng thấp: Tang chi 20g, thạch cao 40g, kim ngân 20g; tri mẫu, hoàng bá, phòng kỷ, mỗi vị 12g, thương truật 8g, quế chi 6g. Sắc uống ngày một thang.
13. Chữa đau lưng cấp do co cứng các cơ: Tang ký sinh, khương hoạt, ngưu tất, mỗi vị 12g, phục linh 10g; quế chi, thương truật, mỗi vị 8g, can khương 6g. Sắc uống ngày một thang.
14. Chữa đau dây thần kinh hông: Cành dâu, thổ phục linh, thiên niên kiện, ngưu tất, sinh địa, mỗi vị 12g; cà gai leo, đỗ đen sao, lá lốt, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
15. Chữa cảm sốt: Lá dâu 10g; hạnh nhân, cát cánh, mỗi vị 8g; liên kiều, rễ sậy, mỗi vị 6g; cúc hoa, bạc hà, cam thảo, mỗi vị 4g. Sắc uống ngày một hoặc hai thang.
16. Chữa rụng tóc: Vỏ rễ dâu giã giập, ngâm nước rồi đun sôi nửa giờ, chắt lấy nước, để nguội gội đầu.

Theo Tienphong

Bài thuốc trị bệnh cước do lạnh hiệu quả

Bệnh cước xảy ra ở người hay bị chứng xanh tím đầu chi, giảm năng các tuyến nội tiết. Ngoài ra, người lao động ở môi trường tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng).

Kinh giới
 Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước, khí hậu lạnh lẽo, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày hàn và thấp khí xâm nhập vào da thịt, gân mạch mà sinh bệnh. Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn (thấp hợp hàn). Bệnh gây sưng đau các ngón tay, chân, gót chân; bắp chân đến đầu gối, khớp đau buốt.

Bệnh này nếu chỉ đau ở tay, chân là chưa nặng lắm. Nếu cảm thấy đau tức ở bụng, da khô rát, nổi vẩy, táo bón là bệnh đã nhập đến can tạng (gan), đã nặng. Nếu cảm thấy ngực đau tức, khó thở, nôn, tim đập mạnh, hay bị hồi hộp, hoảng hốt là bệnh đã nhập đến tâm tạng (tim), Đông y gọi là cước khí xung tâm, rất khó chữa.
Phương pháp chữa là trừ thấp tán hàn thông kinh hoạt lạc. Xin giới thiệu một số bài thuốc Nam rất hiệu quả, bạn đọc có thể áp dụng:
Bài 1: cành kinh giới, cành tía tô 10g, hành khô 2 củ, thổ phục linh 20g, dây đau xương 15g, ý dĩ sống 20g, thiên niên kiện 10g, vỏ vối rừng 15g, vỏ quýt 10g, cỏ xước 10g, rễ cây xấu hổ 10g, kê huyết đằng 15g. Uống 2 ngày/thang, sắc lại 2-3 lần/thang.
Bài 2: bạch chỉ 8g, quế chi 8g, ma hoàng 8g, hành củ (khô) 2g, dây gắm 12g, kê huyết đằng 12g, gừng tươi 5g, thổ phục linh 15g, phòng kỷ 12g, ngũ gia bì 12g, thiên niên kiện 8g, trần bì 8g, hậu phác 8g, cam thảo đất 10g, u chặc chìu 10g. Uống 2 ngày/thang, 1 thang uống 2-3 lần.
Bài 3: gừng tươi 3 lát, kê huyết đằng 8g, u chặc chìu 8g, nam hoàng bá 10g, bing lang (hạt cau) 6g, phòng kỷ 6g, tử tô (hạt tía tô) 8g, rễ cỏ xước 10g, ý dĩ mễ (ý dĩ sống) 10g, quế chi 8g, thiên niên kiện 8g, thổ phục linh 20g. Uống 2 ngày 1 thang, uống 3-5 thang.

Theo Tintuconline

PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ

ĐƠN VỊ CHÂM CỨU VIỆT
GIỚI THIỆU PHƯƠNG PHÁP CẤY CHỈ 
Ths. BS Vũ Thái Bình
BỆNH VIỆN CHÂM CỨU TRUNG ƯƠNG
Cấy chỉ là một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc đặc biệt, độc đáo của châm cứu Việt Nam, bao gồm chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ. Là một phương pháp châm cứu mới, hiện đại áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trên cơ sở kế thừa những lý luận và kinh nghiệm của châm cứu. Phương pháp này đó được áp dụng tại Việt Nam từ những năm 1960 của thế kỷ trước. Nhiều bệnh mạn tính đó được điều trị khỏi bằng phương pháp cấy chỉ.Không chỉ có giá trị ở Việt Nam mà còn nổi bật trên trường quốc tế, đặc biệt các nước châu âu, xứng đáng mang tên “cấy chỉ Việt”!
Cấy chỉ là phương pháp đưa chỉ catgut vào huyệt châm cứu của hệ kinh lạc để duy trì sự kích thích lâu dài qua đó tạo tác dụng điều trị như châm cứu. Chỉ catgut cấy vào huyệt vị có tác dụng làm tăng protein, hydratcarbon và tăng chuyển hóa dinh dưỡng của cơ, nhờ có kích thích liên tục ở huyệt vị mà cải thiện tuần hoàn máu cho vùng cấy chỉ hoặc vùng bị liệt của bệnh nhân, tăng trương lực các sợi cơ.
Năm 1960 Việt Nam bắt đầu áp dụng phương pháp cấy chỉ. Các cơ sở đã áp dụng phương pháp này là Viện quân y 103, Viện quân y 108, Viện quân y 91(quân khu 1), Bệnh viện y học dân tộc Hà Nội và một số cơ sở điều trị khác.
Năm 1975 GS.Nguyễn Tài Thu, người có công rất lớn trong nghiên cứu và áp dụng điều trị có kết quả một số mặt bệnh đặc biệt là hen phế quản bằng phương pháp cấy chỉ. Từ năm 1982, Viện Châm cứu Trung ương đứng đầu là giáo sư Nguyễn Tài Thu đã thực hiện cấy chỉ điều trị cho hàng loạt bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện, điển hình là trẻ em bị bại liệt.
Năm 1988 – 1989 quân y tổng cục chính trị cấy chỉ cho các thể bệnh như hen phế quản, đau nhức xương khớp, liệt…đã đạt được kết quả nhất định.
Năm 1990, BS Lê Thuý Oanh, đã từng học tập và công tác tại viện châm cứu, ứng dụng cấy chỉ rộng rãi ở Hội điều trị bằng các phương pháp Tự nhiên Hungary, Viện Châm cứu và phục hồi chức năng Yamamoto Budapest, Viện Nuôi dưỡng và Phục hồi chức năng trẻ em Debrecen Hungary, một số cơ sở điều trị ở Paris Cộng hũa Phỏp, Dỹsseldorf, Hamburg Cộng hoà Liên bang Đức.
Hơn 30 mươi năm qua, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã thực hiện cấy chỉ cho nhiều thể loại bệnh khác nhau thu được kết quả đáng khích lệ, phương pháp cấy chỉ đã dần khẳng định giá trị đích thực của nó, đây là một phương pháp điều trị đặc biệt của châm cứu, một phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc.
Hiện nay, dưới sự dìu dắt của Phó giáo sư, Tiến sỹ Nghiêm Hữu Thành, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng  phương pháp cấy chỉ trong điều trị kết hợp với y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Cơ chế của cấy chỉ
- Chỉ catgut là chỉ dùng trong phẫu thuật ngoại khoa, bản chất là một Protit tự tiêu trong vòng 20- 25 ngày, khi đưa vào cơ thể( cấy vài lần mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày),  như  một dị nguyên kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể bao vây không đặc hiệu làm thay đổi cách đáp ứng miễn dịch và vì vậy mà không xuất hiện các triệu chứng dị ứng.
- Chỉ catgut là một Protit trong quá trình tự tiêu phản ứng hóa – sinh tại chỗ làm tăng tái tạo Protein, hydratcarbon và tăng dinh dưỡng tại chỗ.
- Chỉ catgut được cấy vào huyệt vị tác dụng với tính chất vật lý, tạo ra một kích thích cơ học như châm cứu nên có cơ chế tác dụng như cơ chế tác dụng của châm cứu.Tuy nhiên cách giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu hiện nay chưa thống nhất, cách giải thích được nhiều người công nhận nhất là giải thích cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch(YHHĐ) và học thuyết kinh lạc (YHCT).
+ Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết thần kinh - thể dịch.
Châm cứu là một kích thích gây ra cung phản xạ mới có tác dụng ức chế và phá vỡ cung phản xạ bệnh lý.(theo volganic và kassin Liên Xô cũ có tác dụng tại chỗ, tác dụng tiết đoạn và tác dụng toàn thân)
+ Cơ chế tác dụng của châm cứu theo học thuyết YHCT: Khi có bệnh tức là mất cân bằng Âm - Dương, rối loạn hoạt động bình thường của hệ kinh lạc. Châm cứu có tác dụng điều hòa Âm - Dương và điều hòa cơ năng hoạt động của hệ kinh lạc.
Chỉ định và chống chỉ định
Chỉ định
+ Các bệnh nhân có bệnh mạn tính sau liệu trình điều trị bằng châm cứu, ra viện chờ liệu trình điều trị tiếp theo
+ Các bệnh nhân có bệnh mạn tính không có điều kiện đi châm cứu thường xuyên.
Chống chỉ định
+ Người bệnh đang sốt cao.
+ Tăng huyết áp kịch phát
+ Phụ nữ có thai
+ Những bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu
+ Những bệnh nhân dị ứng với chỉ catgut.
Những mặt bệnh thường điều trị tại bệnh viện châm cứu
Các bệnh dị ứng (Hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm xoang di ứng)
    + Các chứng liệt
    + Các chứng đau
    + Bệnh ngũ quan
http://chamcuuvietnam.vn/