Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Hồng ngoại

1. Đặc tính của hồng ngoại.
- Bức xạ hồng ngoại là bức xạ ánh sáng không nhìn thấy có bước sóng trong khoảng từ 400.000nm đến 760nm, nguồn phát có nhiệt độ càng cao thì bức xạ ra tia hồng ngoại có bước sóng càng nhỏ. Là bức xạ có nhiệt lượng cao nên còn gọi là bức xạ nhiệt. Do đó tác dụng của hồng ngoại chủ yếu là tác dụng nhiệt, vùng da chịu tác động nhiệt của hồng ngoại sẽ dãn mạch đỏ da giống như các phương pháp nhiệt khác, nên có tác dụng giảm đau chống viêm mạn tính, thư giãn cơ. Độ xuyên sâu của bức xạ hồng ngoại vào cơ thể nhìn chung là rất kém, chỉ khoảng 1-3mm.
- Khác với paraffin, nhiệt hồng ngoại gây bốc hơi mồ hôi làm cho da khô và giòn.
2. Các loại đèn hồng ngoại dùng trong điều trị.
- Đèn điện trở trần: là một cuộn dây lò xo đặt giữa một loa đèn để tập trung nhiệt. Khi đốt, phần lớn điện năng sẽ biến thành nhiệt mà ít phát sáng. Loại đèn này ít dùng do mức độ an toàn thấp.
- Đèn hồng ngoại dây tóc bằng hợp kim Wolfram, bóng đèn bằng thủy tinh có tráng lớp màu tùy ý, có loa đèn để ánh sáng tập trung lớn. Đèn thường có công suất 250W, 500W và 1000W.
3. Tiến hành điều trị.
- Bệnh nhân nằm hay ngồi thoải mái. Đèn để ở vị trí an toàn và thuận lợi.
- Điều chỉnh khoảng cách đèn và mặt da theo chỉ định, chiếu đèn thẳng góc với mặt da, khi hết giờ tắt đèn, kiểm tra vùng điều trị (đỏ đều không rát là được).
4. Bảo đảm an toàn.
- Đề phòng bỏng do quá liều (khoảng cách quá gần, thời gian quá lâu), do nổ vỡ bóng đèn (thường do nước lạnh bắn vào).
- Tránh va đụng phải bóng đèn khi đang nóng.

- Không nhìn trực tiếp vào đèn đang sáng gây hại mắt.