Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Vận động trị liệu

I. Các yếu tố tham gia quá trình vận động.
1. Thần kinh vận động.
- Trung khu vận động trên vỏ não: nằm ở vùng trước rãnh Rolando, điều khiển vận động chủ động, các neuron thần kinh từ vùng này cho các sợi trụ đi xuống tạo thành các bó tháp. Tại hành não, bó tháp chia thành hai bó:
+ Bó tháp chéo gồm 90% bắt chéo sang bên kia để đi xuống tủy sống.
+ Bó tháp thẳng gồm 10% còn lại vẫn đi ở cùng bên đến các tế bào vận động tủy sống rồi cũng bắt chéo sang bên kia.
- Các trung khu vận động dưới vỏ: gồm các nhân xám nằm ở vùng dưới vỏ như cuống não, hành não, thân não điều khiển vận động không tự chủ, điều hòa trương lực cơ, chi phối phản xạ thăng bằng, phản xạ tư thế và bản thể. Các neuron từ đây cho sợi trục đi xuống tạo thành các bó ngoại tháp.
- Tủy sống: các neuron vận động tủy sống nằm ở sừng trước, nhận thông tin truyền đến từ các sợi dẫn truyền vận động từ não, hay từ các tế bào cảm giác ở hạch gai chuyển đến, rồi cho các sợi trục đi ra tạo nên rễ vận động (rễ trước) của dây thần kinh tủy sống.
- Thần kinh ngoại vi: bắt nguồn từ các dây thần kinh tủy sống, đa số các dây thần kinh ngoại vi đều là dây hỗn hợp (cảm giác và vận động). Phần vận động có chức năng dẫn truyền xung động chỉ huy từ trung ương đến gây co cơ.
2. Hệ cơ.
- Cơ là cơ quan đáp ứng đối với các tín hiệu từ trung ương và ngoại vi bằng cách co lại tạo ra các động tác thích ứng.
- Sự co cơ gồm có hai loại:
+ Co cơ đẳng trường: cơ co tăng lực nhưng không rút ngắn (gồng cơ), còn gọi là co cơ tĩnh.
+ Co cơ đẳng lực: lực cơ không thay đổi nhưng cơ rút ngắn lại đề tạo ra sự chuyển động, còn gọi là co cơ động.
3. Xương.
- Xương và cơ phối hợp với nhau như một hệ thống lực - đòn bẩy tạo nên vận động. Xương là chỗ bám của gân cơ gồm đầu nguyên uỷ và đầu bám tận, vì vậy sự vận động bị giới hạn bởi khung xương. Trong một số trường hợp, cơ xương phân bố thành từng cặp chủ vận và đối kháng, sự sắp xếp này rất cần thiết vì cơ chỉ có lực kéo mà không có lực đẩy.
4. Khớp.
Cấu tạo một khớp gồm các thành phần cơ bản sau:
- Diện khớp:
+ Các đầu xương: thường cấu tạo bởi tổ chức xương xốp, có hình dạng thích hợp để có thể trượt lên nhau dễ dàng.
+ Sụn viền: là một lớp sụn mỏng viền xung quanh các đầu xương, sụn viền khi bị thoái hoá sẽ gây đau và làm khớp hạn chế vận động.
+ Khe khớp: là khe giữa hai đầu xương, chứa dịch khớp làm trơn khớp.
- Phương tiện nối khớp:
+ Bao khớp: bọc xung quanh khớp, mặt trong có bao hoạt dịch bám vào. Bao hoạt dịch là nơi xuất tiết và chứa dịch khớp.
+ Các dây chằng: là tổ chức liên kết rất vững chắc, là phương tiện nối khớp quan trọng.
- Các yếu tố liên quan: gồm gân, cơ, thần kinh, da…
5. Yếu tố tâm lý.
Yếu tố tâm lý tuy không tham gia trực tiếp trong vận động nhưng nó ảnh hưởng đến thái độ tập luyện và mức độ hợp tác của người bệnh với thầy thuốc trong quá trình điều trị vận động, dó đó ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị.
II. Các rối loạn vận động và phương pháp lượng giá.
1. Rối loạn vận động do nguyên nhân thần kinh.
1.1. Do tổn thương thần kinh trung ương.
- Khi các neuron vận động ở vỏ não hoặc đường dẫn truyền vận động ở trung ương bị tổn thương thì mệnh lệnh để điều khiển hoạt động của cơ không được phát ra hoặc bị tắc nghẽn làm cho cơ bị liệt, trong khi đường dẫn truyền ngoại vi và cơ vẫn bình thường. Trong giai đoạn đầu, cơ chưa bị teo trương lực cơ tăng, cơ chỉ teo ở giai đoạn muộn do không được vận động trong thời gian dài.
- Một số phương pháp lượng giá vận động:
+ Khám các phản xạ:
* Phản xạ gân xương tăng.
* Phản xạ bó tháp (+).
1.2. Do tổn thương thần kinh ngoại vi.
- Tổn thương thần kinh ngoại vi cũng làm gián đoạn xung động thần kinh đến cơ, nhưng đồng thời cũng làm gián đoạn cả sự dẫn truyền thần kinh cảm giác, do đó làm liệt cơ và mất cảm giác vùng thần kinh tổn thương đó chi phối.
- Đặc điểm của liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi:
+ Sức cơ và trương lực cơ đều giảm, cơ bị teo rất nhanh. Khám teo cơ bằng cách đo chu vi vòng chi, so sánh với bên lành hoặc với các chỉ số có sẵn.
+ Phản xạ gân xương giảm, phản xạ bệnh lý bó tháp (-).
2. Rối loạn vận động cơ.
2.1. Liệt cơ.
Liệt cơ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng co rút của cơ. Để đánh giá tình trạng liệt cơ, người ta tiến hành lượng giá bằng phương pháp thử sức cơ bằng tay. Đó là phương pháp xác định khách quan khả năng của người bệnh điều khiển một cơ hoặc một nhóm cơ nhất định hoạt động.
- Mục đích, ý nghĩa:
+ Chẩn đoán tình trạng cơ.
+ Làm cơ sở cho việc tái rèn luyện cơ.
+ Đánh giá mức độ tiến triển khi điều trị.
- Hệ thống thử cơ:
+ Dấu hiệu co cơ: phát hiện bằng mắt thường hoặc sờ.
+ Khả năng hoạt động của khớp.
+ Lực cản ngoại vi.
- Các bậc thử cơ:
Thử sức cơ bằng tay chia sức cơ thành 6 độ như sau:
Độ                      
Khả năng vận động của cơ
Độ 0
Hoàn toàn không còn cử động co cơ.
Độ 1
Còn nhìn thấy cử động được ở ngọn chi, hoặc sờ thấy sự co cơ
Độ 2
Có thể cử động được khớp nếu loại bỏ trọng lực của đoạn chi thể
Độ 3
Có thể cử động thắng được trọng lực của chi thể
Độ 4
Có thể cử động thắng được lực cản nhẹ
Độ 5
Có thể cử động thắng được lực cản mạnh hoặc cử động bình thường
- Nguyên tắc:
+ Người bệnh tư thế thoải mái, dễ thực hiện động tác.
+ KTV ở tư thế thuận lợi để thao tác và tạo lực cản.
+ Có kiến thức về các mốc giải phẫu và chức năng.
+ Giải thích rõ phương pháp để bệnh nhân hợp tác vận động.
2.2. Thay đổi trương lực cơ.
Trương lực cơ là tình trạng chuẩn bị của một cơ khi bị kéo giãn.
+ Tăng trương lực: sẽ gây co thắt cơ, dẫn đến tư thế bất thường và không làm được các động tác riêng biệt.
+ Giảm trương lực: làm giảm khả ngăng vận động chủ động, mất phối hợp các cơ, mất sẵn sàng để phản ứng nhanh khi cần thiết, có thể làm khớp bị kéo giãn quá mức.
2.3. Teo cơ.
Là tình trạng khối lượng cơ, lượng cơ tương, hàm lượng protein, glycogen, ATP đều giảm, trong khi số lượng các sợi cơ trong bắp cơ không thay đổi. Teo cơ xảy ra do tình trạng bất động lâu dài, nằm lâu, liệt thần kinh, trong một số bệnh lý như bệnh nhược cơ, bệnh Beri-Beri… Khám độ teo cơ bằng phương pháp đo chu vi vòng chi ở chỗ cơ cao nhất, so sánh với bên lành hoặc với chỉ số sinh lý chung.