Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Cách phòng bệnh đau, vẹo cổ của dân văn phòng.

GiadinhNet - Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở những người làm việc văn phòng.

Trung bình một ngày, BV Châm cứu TƯ có khoảng 900 người đến khám, điều trị. 70-80% trong số đó là các bệnh lý liên quan đến cột sống cổ và thắt lưng. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng hay gặp nhất ở những người làm việc văn phòng. Nhẹ thì đau, viêm, nặng thì thoái hóa, liệt người.
Thức dậy là đau

                          Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vào mùa hè chị không bị đau vai, cổ, nhưng từ hôm chuyển mùa đông, cứ sáng sớm thức dậy chị lại thấy sái cổ, đau không cựa quậy được. Một thời gian, chị bị đau cả đầu rồi lan xuống bả vai. Hai tai chị thường xuyên ù, tay trái bị tê tê như có kim châm. Sau khi thăm khám, các bác sỹ kết luận chị bị thoái hóa đốt sống cổ dẫn đến bị hội chứng giao cảm cổ nên mới hoa mắt, chóng mặt, ù tai.
Chị Hoàng Minh Đức (Hải Phòng) cũng thường xuyên bị đau cổ, vai. Dù đã tự xoa bóp nhưng cảm giác đau ngày càng tăng. Sau dần, cổ đau và khó cử động, rồi đau khắp vùng cổ vai gáy, ngây ngấy như bị sốt, rất khó chịu. Chị nghĩ đó chỉ là đau bình thường nên cố chịu, nhưng chứng đau lại lan xuống cả cánh tay với cảm giác tê bì, nóng rát, vận động cột sống cổ đau buốt... Theo kết luận của các bác sỹ, chị bị đau cổ, vai do lạnh. Chỉ cần giữ ấm mùa đông và thực hiện các biện pháp vận động cổ thì sẽ hết bệnh.
ThS. BS Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến (BV Châm cứu TƯ) cho biết, vào mùa lạnh, rất nhiều người đến bệnh viện điều trị do đau đốt sống cổ. Các bệnh nhân thường có biểu hiện khi thức dậy cổ bị căng cứng, cử động rất khó khăn, kèm theo cảm giác đau nhức khó chịu, tăng lên khi cố làm động tác quay cổ. Có khi đau lan xuống bả vai, chi trên, khiến cổ phải nghiêng nhiều hay ít về một bên trong tư thế rất gò bó để chống đau.
BS Thanh cho biết, nguyên nhân dẫn tới bệnh này thường do tư thế khi ngủ không hợp lý, đầu gối quá cao hoặc quá cứng khiến đầu cổ lệch về một bên, các cơ vùng cổ như cơ thang, cơ ức đòn chũm căng giãn kéo dài mà sinh đau. Ngoài ra, tình trạng thoái hóa cột sống cổ hoặc cổ bị lạnh cũng là những yếu tố góp phần làm bệnh phát sinh hoặc nặng thêm.
Chưa già đã thoái hóa
Đến BV Châm cứu TƯ khám, anh Nguyễn Văn Khuê, 30 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên bị đau vùng cổ, đau đầu, thỉnh thoảng chóng mặt. Dù anh đã đi chữa ở nhiều nơi nhưng không khỏi, thậm chí bệnh tình ngày càng nặng. Hiện anh bị đau xuống cả hai vai, cánh tay, lưng. Theo bác sỹ, anh bị chấn thương do vận động không đúng tư thế nên đã bị thoái hóa đốt sống cổ sớm.
Chị Dương Thị Hoa, 24 tuổi (Vĩnh Phúc) làm nhân viên văn phòng cho một công ty cơ khí. Do thường xuyên phải ngồi một chỗ, đánh máy tính liên tục không được vận động nên chị thường xuyên thấy cổ bị cứng, đau, khó cử động. Thỉnh thoảng, chị có cảm giác bị chóng mặt, ù tai, làm việc không được hiệu quả. Đi khám, các bác sỹ cho biết chị bị giảm đường cong sinh lý cổ, lâu dần dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ.
TS.BS Phạm Hữu Lợi (Phó Trưởng khoa Nội, BV Châm cứu TƯ) cho biết,  chứng đau cổ, vai, gáy gặp ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân: Ít vận động, ngồi quá nhiều, ngồi sai tư thế, nhiễm lạnh. Ngoài ra, những người thường hay gối cao, nằm nghiêng khi ngủ, lúc ngủ dậy dễ bị cứng cơ, vẹo cổ. Hiện nay, không chỉ người già mà rất nhiều người trẻ tuổi như học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng tuổi chưa đến 30 cũng có triệu chứng đau cổ, mỏi vai đến bệnh viện chữa trị.
Theo BS Lợi, mọi người chỉ cho rằng, đau cổ, mỏi vai là chuyện hay gặp nên chỉ xoa bóp tại chỗ bằng dầu nóng. Tuy nhiên, nếu để lâu ngày bệnh sẽ càng trầm trọng hơn. "Lúc ở giai đoạn nhẹ, người bệnh chỉ bị đau, lâu dần dẫn tới viêm. Nếu không được tiếp tục điều trị, đốt sống cổ, cột sống sẽ dần thoái hóa, từ đó gây biến dạng cột sống, chèn ép dây thần kinh gây liệt khiến người bệnh mất khả năng vận động", TS.BS Hữu Lợi khuyến cáo.
Phòng bệnh "văn phòng"
Chứng vẹo cổ sau ngủ dậy, khi phát hiện cần chữa trị ngay, nếu không có thể thành di chứng đau cổ, vẹo cổ, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này và chất lượng cuộc sống. Để phòng ngừa căn bệnh này, TS.BS Hữu Lợi cho biết, việc thay đổi thói quen sinh hoạt, lao động là rất cần thiết. Mọi người không nên ngồi quá 45 phút. Cần thư giãn bằng cách đứng dậy đi lại tại chỗ vài ba phút, tập thể dục ngay tại chỗ bằng các động tác vươn vai, nhún vai, xoay đầu đơn giản giúp giảm áp lực lên đốt sống cổ, cột sống... Khi có cảm giác đau cổ, vai ngày càng tăng lên thì cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị bằng phương pháp điện châm - bấm huyệt - tắm thuốc...
BS Thanh cho biết, cần có chế độ ăn uống khoa học. Mọi người nên bổ sung các khoáng chất cho cơ thể như canxi, kali và các vitamin C, B, E.  Cần tập các động tác ưỡn cổ như cúi đầu về phía trước, ngửa đầu ra phía sau, sau đó nghiêng đầu sang trái, sang phải rồi xoay tròn đầu và cổ, cử động cổ lên xuống rất tốt với cổ, vai, gáy. Đối với những người thường xuyên phải ngồi, cần ngồi đúng tư thế bằng cách luôn giữ ngực thẳng, cằm hơi cúi về phía trước, lưng và cột sống cùng nằm trên một đường thẳng, tránh nghiêng cổ lâu một phía. Thường xuyên thay đổi tư thế, tránh ngồi quá lâu một thời gian dài. Khi ngủ, chỉ nên gối cao khoảng 10cm, vừa khít với độ cong sinh lý sau gáy.
Các bác sỹ cho biết, nếu sớm thức dậy cổ bị cứng, khó cử động cần dùng lòng bàn tay xoa xát vùng cổ trong vài phút sao cho tại chỗ nóng lên là được, có thể thoa một chút dầu cao hoặc cồn rượu xoa bóp để làm tăng tác dụng trị liệu. Cũng có thể chườm vùng cổ vai bằng muối sao nóng hoặc muối sao với lá ngải cứu. Sau đó, dùng các ngón tay nhẹ nhàng day ấn cổ, vai để xác định các điểm đau nhiều. Day với lực vừa phải khoảng 30 giây rồi ấn điểm đau nhiều từ nhẹ đến mạnh trong 5 giây, nghỉ 2 giây rồi lại tiếp tục ấn, tiến hành 3-4 lần như vậy là được.
Ngoài thủ thuật day bấm, người ta còn dùng châm cứu. Chứng đau cổ, vẹo cổ hoàn toàn có thể tránh được nếu biết day huyệt. Nếu hiệu quả không rõ rệt thì đi khám để tìm thêm nguyên nhân và loại trừ biến chứng của các bệnh khác.
Biện pháp chống lại căn bệnh:
- Không nên gối đầu quá cao khi ngủ.
- Không nên ngồi một chỗ quá 45 phút.
- Tập thể dục tại nơi làm việc bằng các động tác nhẹ nhàng: Vận động, đi lại, vươn vai.
- Ngồi đúng tư thế bằng cách luôn giữ ngực thẳng, cằm hơi cúi về phía trước, lưng và cột sống cùng nằm trên một đường thẳng.
- Tránh nghiêng cổ lâu một phía. 
- Bổ sung các vitamin B, C, E.
- Khi có cảm giác đau cổ, cần đi khám tại các cơ sở y tế.


Lam Phương

Cách xử trí đau thần kinh hông

(SKĐS) Đau thần kinh hông là tập chứng biểu hiện các cơn đau dọc theo đường đi của dây thần kinh hông. Là chứng bệnh thường gặp với nhiều nguyên nhân khác nhau nhất là những bệnh cảnh viêm nhiễm, chèn ép, đặc biệt là hậu quả của một số bệnh nghề nghiệp.
Các kiểu đau của bệnh
Đó là các cơn đau tự nhiên với hai thể điển hình sau: Cơn đau từ vùng thắt lưng và đi xuống dọc theo mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, đi qua phía trước mắt cá ngoài và bắt chéo mu chân, rồi tận cùng ở ngón chân cái. Cơn đau cũng từ vùng thắt lưng rồi đi xuống qua vùng mông tới mặt sau ngoài đùi, mặt sau ngoài cẳng chân, đi qua phía sau mắt cá ngoài rồi xuống gan bàn chân và tận cùng ở ngón chân út. Cơn đau ở hai bên thắt lưng, dọc xuống hai bên (đau dây thần kinh hông hai bên).
Các cơn đau kiểu này thường do tổn thương cột sống ép ngay vào rễ thần kinh L5- S1 ở hai bên. Đó là các bệnh ung thư cột sống, di căn tế bào ung thư tuyến tiền liệt, ung thư tử cung, ung thư vú… các sang chấn cột sống (gãy các khớp nhỏ gây trượt đốt sống), thoát vị đĩa đệm nặng.
Cơn đau “kiểu bàn cân” là kiểu đau có thể từ bên phải sang đau bên trái và ngược lại
Cơn đau có thể phát hiện qua các điểm đau: đó là khi thầy thuốc ấn vào các điểm dọc đường đi của dây thần kinh hông và bệnh nhân thấy đau, hoặc ấn vào đốt sống lưng, ở vùng đốt và khe đốt L4-S1 gây nên cơn đau.
Thầy thuốc khám cột sống thắt lưng sẽ phát hiện thấy những bất thường ở độ cong sinh lý hoặc tư thế chống đau hoặc thấy các phản ứng chống đau của người bệnh (đứng lệch về bên không đau, nằm co chân đau...).
Các dấu hiệu thay đổi hoạt động phản xạ ở hai chân: các rối loạn về phản xạ gân xương, rối loạn về cảm giác ở khu vực của rễ L5-S1, rối loạn dinh dưỡng (teo cơ).
Các thay đổi ở Xquang cột sống, ở dịch não tủy, ở hình ảnh chụp cộng hưởng từ trong những trường hợp đau dây thần kinh hông do viêm nhiễm, do chèn ép tủy.
Vì sao lại đau dây thần kinh hông?
Có nhiều nguyên nhân gây nên chứng đau thần kinh hông:
Thoát vị đĩa đệm: Ở người trẻ tuổi, thường có kèm theo những dị dạng như thắt lưng trên đốt cùng, cùng hoá đốt thắt lưng, gai đôi. Ở người già thường có liên quan tới thay đổi hình dạng đĩa đệm, thay đổi các cấu tạo dây chằng.
Lao cột sống vùng thắt lưng cùng: Người bệnh thường sốt, mệt mỏi, gầy sút cân. Xquang cột sống có hình ảnh hẹp đĩa liên đốt, mất canxi ở những đốt sống kề bên, có túi mủ áp-xe ở cột sống…
Các dấu hiệu thần kinh như thay đổi phản xạ gân xương, rối loạn cảm giác, các biến đổi bất thường ở dịch não tủy.
U vùng chóp cùng đuôi, đau nhiều kể cả khi nằm nghỉ, có rối loạn cảm giác theo kiểu yên ngựa, có phân ly protein và tế bào trong dịch não tủy.
Trượt đốt sống: Có thể xảy ra sau một thời gian dài đi ôtô, môtô qua quãng đường dài khó đi, đường mấp mô, có nhiều ổ trâu… Qua phim chụp Xquang cột sống ở tư thế chếch 3/4  có hình ảnh gãy khớp nhỏ (gãy cổ chó), qua phim chụp tư thế trông nghiêng thấy hình khối L chạy ra trước còn khối S lùi ra sau.
Thoát vị đốt sống thắt lưng cùng: được xác định qua các tư thế của phim chụp Xquang cột sống.
Xử trí thế nào?
Dây thần kinh hông được tạo nên bởi rễ thắt lưng 5 (L5) và rễ cùng 1 (S1) của tủy sống. Ở đoạn tủy này, có sự chênh lệch 4 đốt khoanh đoạn tủy và khoanh đoạn đốt sống. Ví dụ: tổn thương xương ở rễ thắt lưng 5 tương ứng ở đốt sống thắt lưng 1 và đốt sống thắt lưng 12 (D12- L1).
Dây thần kinh hông là dây thần kinh dài nhất của cơ thể người, có nhiều vị trí quan trọng có liên quan đến các bệnh tích tương ứng: bệnh viêm nhiễm (dịch não tủy…); bệnh thoái hoá đốt sống; bệnh ở trong đám rối thắt lưng cùng; các bệnh ở tiểu khung; bệnh thần kinh ở vùng mông; đoạn ở khoeo chân chia thành dây thần kinh khoeo ngoài và dây thần kinh khoeo trong.
Muốn điều trị bệnh hiệu quả, trước hết phải chẩn đoán chính xác. Đó là cần đánh giá các cơn đau dây thần kinh hông, xác định sớm qua hỏi bệnh (chú ý tính lan truyền của cơn đau) qua các nghiệm pháp căng và đau dây thần kinh hông. Cần phân định cơn đau của viêm cơ, xương (viêm khớp cùng chậu), chèn ép ở tiểu khung (có thai cũng có thể gây đau). Kết hợp các phương pháp thăm dò, chú ý trước tiên tới nguyên nhân chèn ép, đặc biệt tùy theo tuổi (tuổi lao động, tuổi già... ), giới tính (phụ nữ có thai), bệnh nghề nghiệp (cưa xẻ, mang vác... ), viêm nhiễm.
Về điều trị: thường là điều trị theo nguyên nhân. Điều trị nội khoa ở các trường hợp không có nguyên nhân chèn ép, hoặc có chèn ép nhưng không có chỉ định phẫu thuật. Điều trị nội khoa bao gồm nằm nghỉ, sử dụng thuốc Tây y, có thể kết hợp với Đông y như châm cứu, vật lý trị liệu…
Dùng thuốc giảm đau và kháng viêm, có thể dùng lý liệu pháp như xoa bóp, ion hoá canxi, điện nóng. Những trường hợp nặng như thoát vị đĩa đệm nặng điều trị nội khoa không có kết quả sẽ phải phẫu thuật.
Phòng bệnh: đối với người có dị dạng cột sống, gai đôi, thắt lưng hoá đốt cùng, cùng hoá đốt sống lưng… cần có chế độ lao động thích hợp, tránh mang vác nặng. Đối với một số nghề nghiệp cần nhiều thao tác ở vùng thắt lưng cùng thì cần có những biện pháp bảo hộ lao động, có định kỳ kiểm tra sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý. 

 TS. Nguyễn Chương

Kéo dãn cột sống

I. Đại cương.
1. Đặc điểm giải phẫu của cột sống.
- Cột sống bao gồm 32-33 đốt sống, chia thành 5 đoạn: đoạn cổ có 7 đốt, đoạn lưng có 12 đốt, đoạn thắt lưng có 5 đốt, đoạn cùng có 5 đốt dính vào nhau, và đoạn cụt có 3-4 đốt.
- Đoạn vận động là một đơn vị cấu trúc và chức năng của cột sống, bao gồm: khoang gian đốt, nửa phần thân đốt sồng trên và đốt sống dưới, dây chằng dọc trước, dây chằng dọc sau, dây chằng vàng, khớp đốt sống và tất cả phần mềm tương ứng.
 + Đĩa đệm gian đốt: là một đĩa sụn sợi, độ dày tùy thuộc đoạn cột sống, đoạn cổ dày 3mm, đoạn lưng 5mm và đoạn thắt lưng 9mm. Cấu trúc của đĩa đệm bao gồm:
* Mâm sụn dính vào thân đốt.
* Vòng sợi gồm những sợi sụn rất chắc và đàn hồi quấn vào nhau như hình xoắn ốc tạo thành những vòng đồng tâm xung quanh nhân nhày.
* Nhân nhày có hình cầu hoặc bầu dục nằm trong vòng sợi, khi vận động cột sống về 1 phía (nghiêng, cúi, ưỡn) thì nhân nhày sẽ dịch chuyển về phía đối diện, nếu vận động cột sống đột ngột, quá mức thì nhân nhày không kịp dịch chuyển theo sẽ bị kẹt lại hoặc bật ra khỏi vị trí của nó trong vòng sụn gây nên thoát vị đĩa đệm.
+ Khớp liên đốt: do các mỏm khớp thẳng của các đốt sống tiếp khớp với nhau.
+ Các dây chằng: Dây chằng dọc trước bám ở mặt trước các đốt ống và đĩa đệm, dây chằng dọc sau bám vào mặt sau thân đốt (trong ống sống) và đĩa đệm, ngoài ra còn các dây chằng vàng, dây chằng liên gai, dây chằng liên ngang. Các vị trí có dây chằng bám là những vị trí rất vững chắc ít khi nhân nhày thoát vị ra các vị trí này, mà thường thoát vị ra các điểm yếu không có dây chằng bám, vị trí hay gặp là ở phía sau bên cột sống.
+ Lỗ ghép: tạo bởi khuyết dưới của đốt sống trên và khuyết trên của đốt sống dưới, lỗ ghép cho các dây thần kinh sống đi từ tủy sống ra ngoài, khi cột sống bị thoái hóa hay thoát vị đĩa đệm các rễ hay dây thần kinh sống sẽ bị chèn ép gây đau.
2. Đặc điểm sinh lý cột sống.
2.1. Đường cong sinh lý:
ở người trưởng thành, cột sống có 4 đoạn cong là cổ, ngực, thắt lưng và cùng cụt. Các đoạn cong này đảm bảo cho cột sống vận động rất linh hoạt.
2.2. Chức năng của cột sống: có 3 chức năng:
- Chức năng bảo vệ tủy sống: khi chấn thương hay tổn thương cột sống sẽ ảnh hưởng đến tủy sống.
- Chức năng làm trụ cột cho các xương khác dính vào tạo nên bộ khung xương của cơ thể. Do làm trụ cột nên cột sống phải chịu một trọng tải rất lớn cả lúc nghỉ ngơi lẫn khi hoạt động, phần lớn trọng tải này lại do đĩa đệm chịu đựng. Bởi vậy đĩa đệm là một tổ chức có tính đàn hồi và khả năng chịu lực cao, tuy nhiên khả năng biến dạng và tính chịu nén cũng chỉ có giới hạn. ở đoạn thắt lưng trong tư thế nằm đĩa đệm chịu được tải trọng là 15-25kg lực, ở tư thế đứng là 100kg lực, tư thế ngồi là 150kg lực. Khi chịu trọng tải lớn, áp lực nội đĩa đệm tăng lên và làm cho chiều cao đĩa đệm có thể giảm đi.
- Chức năng vận động:
+ Sự vận động của cột sống theo 3 trục:
· Trục ngang: thực hiện động tác gấp và duỗi.
· Trục dọc: thực hiện động tác nghiêng trái, nghiêng phải.
· Trục đứng: thực hiện động tác xoay trái xoay phải.
+ Cử động của các đoạn cột sống:
· Đoạn cổ: vận động linh hoạt nhất gồm cả 3 động tác trên.
· Đoạn lưng: đoạn này có các xương sườn bám vào nên cử động rất hạn chế.
· Đoạn thắt lưng: chủ yếu là động tác gấp duỗi, động tác nghiêng và xoay hạn chế và là đoạn chịu lực chính của toàn bộ cột sống.
· Đoạn cùng cụt: cố định không cử động.
II. Tác dụng của kéo giãn cột sống.
1. Tác dụng cơ học:
- Kéo giãn cột sống là phương pháp làm giãn cơ tích cực, tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm giảm áp lực nội đĩa đệm.
- Kéo giãn cột sống làm tăng tính linh hoạt của cột sống, giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống, giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống.
2. Tác dụng điều trị:
- Giảm đau cột sống: do làm giảm áp lực nội đĩa đệm, giãn cơ và các dây chằng, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ.
- Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát vị ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.
III. Chỉ định và chống chỉ định.
1. Chỉ định:
- Thoái hóa đốt sống chèn ép thần kinh gây đau lưng, đau thần kinh tọa, đau cổ vai cánh tay.
- Thoát vị đĩa đệm vừa và nhẹ.
- Sai khớp đốt sống nhẹ.
- Đau lưng do các nguyên nhân khác.
- Vẹo cột sống.
- Viêm cột sống dính khớp ở giai đoạn chưa dính khớp.
2. Chống chỉ định:
- Có tổn thương và chèn ép tủy, bệnh ống tủy.
- Lao cột sống, u ác tính, viêm tấy áp xe vùng lưng.
- Bệnh loãng xương, tăng huyết áp.
- Chấn thương cột sống có gãy xương biến dạng.
- Viêm đa khớp dạng thấp.
- Phụ nữ có thai hoặc đang có kinh nguyệt.
- Hội chứng đuôi ngựa.
- Thoái hóa cột sống, bệnh viêm cột sống dính khớp có các cầu xương nối các đốt sống.
IV. Các phương pháp kéo giãn cột sống.
1. Phương pháp kéo giãn liên tục.
Là các phương pháp mà lực kéo tác động liên tục và không thay đổi lên 1 vùng cột sống trong suốt quá trình kéo. Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp đau cấp tính làm các cơ cạnh sống bị co cứng. Gồm các phương pháp sau:
1.1. Kéo giãn bằng tự trọng trên bàn dốc.
Dùng một đai cố định ở nách, ngực hay đầu bệnh nhân vào một tấm ván để dốc, lực kéo chính là trọng lượng của bệnh nhân và lực này được điều chỉnh bằng độ dốc của tấm ván. Lực phân bố đều từ chỗ cố định trở xuống và mang tính định lượng tương đối, phụ thuộc vào khả năng chịu đựng và trọng lượng của bệnh nhân.
1.2. Kéo giãn bằng lực đối trọng.
Là phương pháp kéo giãn liên tục bằng các quả cân. Phần cột sống định kéo được nối với đai kéo và dây kéo, rồi thông qua một ròng rọc và lần lượt xếp các quả cân lên dây kéo để đạt lực kéo theo chỉ định.
1.3. Kéo liên tục bằng máy kéo.
Là phương pháp sử dụng chế độ kéo liên tục của máy kéo, hình thức giống như kéo bằng lực đối trọng.
2. Phương pháp kéo giãn dưới nước:
Là phương pháp kết hợp thủy liệu và kéo giãn, gồm một bể nước sâu 2m có thể dùng nước ấm giúp tăng cường giãn cơ giảm đau, kéo theo trục thẳng đứng được cố định bằng phao ở cổ hay nách, lực kéo bằng tạ móc vào dai kéo ở thắt lưng. Do sức đẩy của nước nên lực kéo thường phải lớn hơn.
3. Phương pháp kéo ngắt quãng.
Như phương pháp kéo giãn bằng lực đối trọng, nhưng lực kéo có thể thay đổi quá trình kéo để tránh gây mỏi cơ và căng thẳng kéo dài cho cột sống. Phương pháp này được áp dụng cho trường hợp đau mãn tính với tình trạng cơ cứng cơ không đáng kể. Kéo ngắt quãng có các kiểu như sau:
- Kéo ngắt quãng không có lực nền: hay lực nền bằng 0, phương pháp này làm cho sự thay đổi về lực lớn trong khi kéo, có thể làm cho cột sống không đủ thời gian để thích nghi. Kéo ngắt quãng có lực nền: là phương pháp hợp sinh lý nhất, làm cho cột sống vừa có thời gian nghỉ hợp lý vừa không bị thay đổi lực quá nhiều.
V. Phương pháp kéo các đoạn cột sống.
1. Kéo giãn cột sống cổ.
1.1. Điểm tỳ lực.
- Trên hộp sọ hầu như không có những ụ nhô để cho khung treo bám vào, do đó người ta thường sử dụng hai vị trí đểm tỳ là: tay kéo dài phía trước tỳ vào xương hàm dưới và tay kéo ngắn phía sau tỳ vào xương chẩm.
- Phương kéo theo mặt phẳng bên - bên: trong mặt phẳng bên - bên có thể kéo theo phương kéo thẳng, cũng có thể kéo theo phương kéo thẳng với hộp sọ xoay sang bên không đau hoặc theo phương kéo nghiêng sang bên không đau (khoảng 10-150) để làm cho lỗ tiếp hợp bên đau mở rộng thêm.
1.3. Lực kéo:
Lực kéo lần đầu khoảng 7-8kg, các lần sau tăng mỗi lần 0,5kg cho đến khi đạt khoảng 1/5 trọng lượng cơ thể thì duy trì lực này cho đến hết đợt. Đối với tư thế ngồi lực kéo phải cao hơn để thắng được trọng lượng của đầu. Thời gian một lần kéo 10-15 phút, mỗi đợi 15-20 ngày.
1.4. Các tư thế kéo giãn cột sống cổ.
1.4.1. Kéo giãn cột sống cổ bằng tự trọng.
Kéo giãn cột sống cổ bằng trọng lượng cơ thể với dây kéo cố định chắc chắn ở trên cao và ở phía trước so với ghế, bệnh nhân ngồi trên ghế hoàn toàn thư giãn với thắt lưng gấp hai chân duỗi thẳng hai tay bỏ thõng sát thân. Kiểu kéo này thường được kéo dài 5 phút mỗi ngày, ban đầu người bệnh cần tiến hành kéo tại cơ sở y tế cho quen, sau đó có thể tự tiến hành kéo tại nhà
1.4.2. Kéo giãn cột sống cổ ở tư thế ngồi.
Bệnh nhân ngồi thoải mái trên ghế, phương kéo chếch ra trước 20-300 cho cột sống hơi gấp. Kéo giãn ở tư thế này có thể gây cho bệnh nhân tâm lý sợ và trong khi kéo làm cho bệnh nhân không thoải mái, có thể gây tai biến choáng khi kéo.
2.4.3. Kéo giãn cột sống cổ tư thế nằm.
Bệnh nhân nằm thoải mái, phương kéo chếch so với mặt giường 20-200 cho cột sống cổ hơi gấp. Tư thế này có thể cho phép bệnh nhân thoải mái không bị gò bó khi kéo.
2. Kéo giãn cột sống thắt lưng.
2.1. Điểm tỳ lực kéo.
- Điểm tỳ phía trên: có hai cách.
+ Điểm tỳ bằng hai cọc cố định vào nách: cho phép lực tác dụng lên cả vùng cột sống lưng và thắt lưng. Tuy nhiên việc điểm tỳ vào nách có thể gây các tai biến do chèn ép bó mạch thần kinh nách.
+ Điểm tỳ hai bên bờ sườn: lực tác dụng thông qua hệ khung sườn đến cột sống, điểm tỳ này cho phép lực tác dụng khu trú ở vùng cột sống thắt lưng. Tuy nhiên cũng có thể gây khó chịu cho bệnh nhân do hạn chế hô hấp của lồng ngực.
- Điểm tỳ phía dưới: dùng hai đai kéo cố định tỳ vào hai bên mào chậu.
2.2. Phương kéo.
Cũng như cột sống cổ, kéo cột sống thắt lưng theo phương chếch 20-300 cho cột sống hơi gấp làm tăng độ mở của khoang gian đốt và lỗ ghép.
2.3. Lực kéo.
Lực kéo phụ thuộc và đoạn cột sống kéo, mục đích kéo, trọng lượng, tuổi, giới, tình trạng thể lực của người bệnh... Lực kéo quyết định hiệu quả điều trị. Thông thường nên dùng phương pháp tăng dần lực kéo theo phản ứng của người bệnh đến lực kéo tối đa. Theo một số nghiên cứu, khi lực kéo tăng đến 1/2 trọng lượng cơ thể thì các khoang gian đốt bắt đầu mở. Khi lực kéo đạt bằng trọng lượng cơ thể thì độ giãn của khoang gian đốt đạt tối đa, tức là nếu lực có tăng cao nữa cũng không làm khoang gian đốt mở rộng thêm. Như vậy lực kéo có tác dụng trong khoảng từ 1/2 đến 1 trọng lượng cơ thể.
Thông thường hay sử dụng lực kéo tối đa bằng 2/3 trọng lượng cơ thể, lần kéo đầu với lực bằng lực kéo tối đa trừ đi 5, mỗi ngày tăng thêm 1kg cho đến lực kéo tối đa thì duy trì đến hết đợt. Với phương pháp kéo ngắt quãng, sử dụng lực kéo nền bằng khoảng 1/3 đến 1/2 trọng lượng cơ thể. Thời gian duy trì lực kéo khoảng 20 giây, duy trì lực nền khoảng 20 giây. Độ dốc tăng lực phụ thuộc mức độ đau và mức độ co cơ: nếu đau cấp co cứng cơ thì độ dốc cần tăng từ từ. Thời gian một lần kéo 15-20 phút, mỗi đợt 15-20 ngày.
2.4. Các tư thế kéo giãn cột sống thắt lưng.
- Kéo giãn tư thế nằm ngửa: hai chân chống lên gấp 900 hoặc gác lên một cái ghế để đảm bảo cho cột sống hơi gấp và làm chùng giãn cơ.
- Với tư thế nằm sấp có hai cách: để chân thấp hoặc chèn gối dưới bụng, phương kéo song song mặt bàn, hoặc chếch xuống 15-200.
VI. Các tai biến và biến cố.
- Đau cấp sâu kéo: sau khi kéo cột sống thắt lưng mà đứng dậy ngay làm áp lực nội đĩa đệm bị tăng lên đột ngột làm đĩa đệm bị kẹt có thể gây đau cấp và tê 2 chi dưới. Nếu tai biến xảy ra thì cho bệnh nhân nằm lại vào bàn kéo, tiến hành kéo lại ở chế độ kéo liên tục với trọng lượng bằng 60-70% lực kéo ban đầu, sau đó cứ 5 phút lại giảm lực kéo đi 4-5kg cho đến khi hết đau. Dự phòng đau cấp sau kéo bằng cách cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ bằng thời gian kéo.
- Đau tăng đột ngột ở vùng kéo: do giảm áp lực nội đĩa đệm một cách đột ngột, do các thành phần phần mềm (cơ, dây chằng) bị kéo căng đột ngột.
- Đau tăng sau lần kéo đầu tiên: là do lực kéo hơi cao, ở lần kéo sau cần giảm lực một chút.
- Cảm giác choáng váng, rối loạn mạch do kích thích thần kinh thực vật dọc cột sống, đặc biệt là cột sống cổ.
- Thay đổi huyết áp do phản xạ.
- Nếu kéo cột sống lưng cố định trên bằng cọc ép vào nách có thể làm chèn ép đám mạch thần kinh nách gây tê chi trên, thậm chí có thể gây liệt. Do đó, cách tốt nhất là cố định bằng đai vào hai bên bờ sườn.

- Tuột đai cố định, đứt dây kéo...

Vận động trị liệu

I. Các yếu tố tham gia quá trình vận động.
1. Thần kinh vận động.
- Trung khu vận động trên vỏ não: nằm ở vùng trước rãnh Rolando, điều khiển vận động chủ động, các neuron thần kinh từ vùng này cho các sợi trụ đi xuống tạo thành các bó tháp. Tại hành não, bó tháp chia thành hai bó:
+ Bó tháp chéo gồm 90% bắt chéo sang bên kia để đi xuống tủy sống.
+ Bó tháp thẳng gồm 10% còn lại vẫn đi ở cùng bên đến các tế bào vận động tủy sống rồi cũng bắt chéo sang bên kia.
- Các trung khu vận động dưới vỏ: gồm các nhân xám nằm ở vùng dưới vỏ như cuống não, hành não, thân não điều khiển vận động không tự chủ, điều hòa trương lực cơ, chi phối phản xạ thăng bằng, phản xạ tư thế và bản thể. Các neuron từ đây cho sợi trục đi xuống tạo thành các bó ngoại tháp.
- Tủy sống: các neuron vận động tủy sống nằm ở sừng trước, nhận thông tin truyền đến từ các sợi dẫn truyền vận động từ não, hay từ các tế bào cảm giác ở hạch gai chuyển đến, rồi cho các sợi trục đi ra tạo nên rễ vận động (rễ trước) của dây thần kinh tủy sống.
- Thần kinh ngoại vi: bắt nguồn từ các dây thần kinh tủy sống, đa số các dây thần kinh ngoại vi đều là dây hỗn hợp (cảm giác và vận động). Phần vận động có chức năng dẫn truyền xung động chỉ huy từ trung ương đến gây co cơ.
2. Hệ cơ.
- Cơ là cơ quan đáp ứng đối với các tín hiệu từ trung ương và ngoại vi bằng cách co lại tạo ra các động tác thích ứng.
- Sự co cơ gồm có hai loại:
+ Co cơ đẳng trường: cơ co tăng lực nhưng không rút ngắn (gồng cơ), còn gọi là co cơ tĩnh.
+ Co cơ đẳng lực: lực cơ không thay đổi nhưng cơ rút ngắn lại đề tạo ra sự chuyển động, còn gọi là co cơ động.
3. Xương.
- Xương và cơ phối hợp với nhau như một hệ thống lực - đòn bẩy tạo nên vận động. Xương là chỗ bám của gân cơ gồm đầu nguyên uỷ và đầu bám tận, vì vậy sự vận động bị giới hạn bởi khung xương. Trong một số trường hợp, cơ xương phân bố thành từng cặp chủ vận và đối kháng, sự sắp xếp này rất cần thiết vì cơ chỉ có lực kéo mà không có lực đẩy.
4. Khớp.
Cấu tạo một khớp gồm các thành phần cơ bản sau:
- Diện khớp:
+ Các đầu xương: thường cấu tạo bởi tổ chức xương xốp, có hình dạng thích hợp để có thể trượt lên nhau dễ dàng.
+ Sụn viền: là một lớp sụn mỏng viền xung quanh các đầu xương, sụn viền khi bị thoái hoá sẽ gây đau và làm khớp hạn chế vận động.
+ Khe khớp: là khe giữa hai đầu xương, chứa dịch khớp làm trơn khớp.
- Phương tiện nối khớp:
+ Bao khớp: bọc xung quanh khớp, mặt trong có bao hoạt dịch bám vào. Bao hoạt dịch là nơi xuất tiết và chứa dịch khớp.
+ Các dây chằng: là tổ chức liên kết rất vững chắc, là phương tiện nối khớp quan trọng.
- Các yếu tố liên quan: gồm gân, cơ, thần kinh, da…
5. Yếu tố tâm lý.
Yếu tố tâm lý tuy không tham gia trực tiếp trong vận động nhưng nó ảnh hưởng đến thái độ tập luyện và mức độ hợp tác của người bệnh với thầy thuốc trong quá trình điều trị vận động, dó đó ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị.
II. Các rối loạn vận động và phương pháp lượng giá.
1. Rối loạn vận động do nguyên nhân thần kinh.
1.1. Do tổn thương thần kinh trung ương.
- Khi các neuron vận động ở vỏ não hoặc đường dẫn truyền vận động ở trung ương bị tổn thương thì mệnh lệnh để điều khiển hoạt động của cơ không được phát ra hoặc bị tắc nghẽn làm cho cơ bị liệt, trong khi đường dẫn truyền ngoại vi và cơ vẫn bình thường. Trong giai đoạn đầu, cơ chưa bị teo trương lực cơ tăng, cơ chỉ teo ở giai đoạn muộn do không được vận động trong thời gian dài.
- Một số phương pháp lượng giá vận động:
+ Khám các phản xạ:
* Phản xạ gân xương tăng.
* Phản xạ bó tháp (+).
1.2. Do tổn thương thần kinh ngoại vi.
- Tổn thương thần kinh ngoại vi cũng làm gián đoạn xung động thần kinh đến cơ, nhưng đồng thời cũng làm gián đoạn cả sự dẫn truyền thần kinh cảm giác, do đó làm liệt cơ và mất cảm giác vùng thần kinh tổn thương đó chi phối.
- Đặc điểm của liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi:
+ Sức cơ và trương lực cơ đều giảm, cơ bị teo rất nhanh. Khám teo cơ bằng cách đo chu vi vòng chi, so sánh với bên lành hoặc với các chỉ số có sẵn.
+ Phản xạ gân xương giảm, phản xạ bệnh lý bó tháp (-).
2. Rối loạn vận động cơ.
2.1. Liệt cơ.
Liệt cơ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng co rút của cơ. Để đánh giá tình trạng liệt cơ, người ta tiến hành lượng giá bằng phương pháp thử sức cơ bằng tay. Đó là phương pháp xác định khách quan khả năng của người bệnh điều khiển một cơ hoặc một nhóm cơ nhất định hoạt động.
- Mục đích, ý nghĩa:
+ Chẩn đoán tình trạng cơ.
+ Làm cơ sở cho việc tái rèn luyện cơ.
+ Đánh giá mức độ tiến triển khi điều trị.
- Hệ thống thử cơ:
+ Dấu hiệu co cơ: phát hiện bằng mắt thường hoặc sờ.
+ Khả năng hoạt động của khớp.
+ Lực cản ngoại vi.
- Các bậc thử cơ:
Thử sức cơ bằng tay chia sức cơ thành 6 độ như sau:
Độ                      
Khả năng vận động của cơ
Độ 0
Hoàn toàn không còn cử động co cơ.
Độ 1
Còn nhìn thấy cử động được ở ngọn chi, hoặc sờ thấy sự co cơ
Độ 2
Có thể cử động được khớp nếu loại bỏ trọng lực của đoạn chi thể
Độ 3
Có thể cử động thắng được trọng lực của chi thể
Độ 4
Có thể cử động thắng được lực cản nhẹ
Độ 5
Có thể cử động thắng được lực cản mạnh hoặc cử động bình thường
- Nguyên tắc:
+ Người bệnh tư thế thoải mái, dễ thực hiện động tác.
+ KTV ở tư thế thuận lợi để thao tác và tạo lực cản.
+ Có kiến thức về các mốc giải phẫu và chức năng.
+ Giải thích rõ phương pháp để bệnh nhân hợp tác vận động.
2.2. Thay đổi trương lực cơ.
Trương lực cơ là tình trạng chuẩn bị của một cơ khi bị kéo giãn.
+ Tăng trương lực: sẽ gây co thắt cơ, dẫn đến tư thế bất thường và không làm được các động tác riêng biệt.
+ Giảm trương lực: làm giảm khả ngăng vận động chủ động, mất phối hợp các cơ, mất sẵn sàng để phản ứng nhanh khi cần thiết, có thể làm khớp bị kéo giãn quá mức.
2.3. Teo cơ.
Là tình trạng khối lượng cơ, lượng cơ tương, hàm lượng protein, glycogen, ATP đều giảm, trong khi số lượng các sợi cơ trong bắp cơ không thay đổi. Teo cơ xảy ra do tình trạng bất động lâu dài, nằm lâu, liệt thần kinh, trong một số bệnh lý như bệnh nhược cơ, bệnh Beri-Beri… Khám độ teo cơ bằng phương pháp đo chu vi vòng chi ở chỗ cơ cao nhất, so sánh với bên lành hoặc với chỉ số sinh lý chung.

Dòng điện một chiều

1. Khái niệm.
- Dòng điện một chiều đều (còn gọi là dòng Galvanic) là dòng điện có cường độ và chiều không đổi theo thời gian.
- Các đại lượng đặc trưng cho dòng Galvanic:
+ Cường độ (I): đơn vị là Ampe (A), Miliampe (mA).
+ Hiệu điện thế (U): là mức độ chênh lệch điện thế giữa hai điện cực của nguồn điện (đơn vị là Volt - V).
+ Điện trở (R): là sức cản dòng điện của dây dẫn.
Theo định luật Ôm, cường độ dòng điện tỷ lệ nghịch với điện trở: I=U/R.
2. Tác dụng của dòng Galvanic.
2.1. Tác dụng lên các ion (tác dụng Galvanic).
Trong tổ chức cơ thể chứa thành phần chủ yếu là nước và các chất điện giải dưới dạng các ion (Na+, K+, Cl-...). Khi dòng điện một chiều đều đi qua tổ chức cơ thể sẽ gây nên hiện tượng điện ly trong tổ chức, ion âm sẽ di chuyển về cực dương và ion dương thì di chuyển về cực âm:
- Do đó nếu để điện cực kim loại trực tiếp tiếp xúc với da sẽ gây ra bỏng hóa học:
+ Tại cực dương là bỏng do acid HCl gây ra, có đặc điểm bỏng sâu và sẹo cứng.
+ Tại cực âm là bỏng do kiềm NaẶH gây ra, có đặc điểm bỏng nông và sẹo mềm.
Vì vậy, khi điều trị phải đệm một lớp điện cực vải đệm thấm ướt giữa điện cực kim loại và da để các chất acid và kiềm tạo ra bám vào.
2.2. Tác dụng giãn mạch.
- Tại vùng da đặt điện cực có vải đệm sẽ có hiện tượng đỏ da do giãn mạch và có thể kéo dài hàng giờ. Tác dụng giãn mạch sẽ làm tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng, tăng chuyển hóa, chống viêm. Cơ chế do dòng điện tác dụng trực tiếp lên hệ thần kinh vận mạch.
2.3. Tác dụng lên hệ thần kinh.
- Tác dụng lên cảm giác: có 3 ngưỡng kích thích:
+ Ngưỡng cảm giác: gây cảm giác lăn tăn châm chích như kiến bò.
+ Ngưỡng kích thích: gây cảm giác châm chích, cắn rứt như kiến cắn.
+ Ngưỡng đau: gây cảm giác đau rát, buốt.
Các ngưỡng trên khác nhau ở mỗi người, trên cùng một người thì mỗi vị trí khác nhau lại có ngưỡng khác nhau. Trong điều trị chỉ nên dùng tới ngưỡng cảm giác là được.
- Tác dụng lên thần kinh ngoại vi: làm tăng dẫn truyền thần kinh, tăng dinh dưỡng và trao đổi chất của các tế bào thần kinh và tổ chức xung quanh.
- Tác dụng tại các điện cực:
+ Cực dương: có tác dụng giảm đau, giảm co thắt, giảm trương lực cơ.
+ Cực âm: có tác dụng kích thích, làm tăng trương lực cơ.
- Tác dụng phản xạ thần kinh: khi đặt điện cực trên vùng đốt đoạn thần kinh của tủy sống, dòng điện có thể gây phản ứng ở những cơ quan nội tạng cùng đốt đoạn thần kinh chi phối như: làm tăng tuần hoàn, tăng trao đổi chất, tăng vận động bài tiết…
3. Chỉ định và chống chỉ định.
3.1. Chỉ định.
- Giảm và cắt các cơn đau trong các hội chứng đau, hội chứng viêm.
- Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng tại chỗ hoặc toàn thân, làm tăng tái sinh tổ chức trong các bệnh lý: loét lâu lành, teo cơ, sẹo xơ cứng, viêm dính…
- Tạo phản xạ điều hòa tuần hoàn ở các bộ phận sâu như: rối loạn tuần hoàn não, rối loạn tuần hoàn vành, rối loạn bài tiết và vận động đường tiêu hóa, sinh dục…
- Điều hoà quá trình hưng phấn - ức chế của vỏ não.
- Đốt một số tổ chức như lông xiên, lông quặp, nốt ruồi, mụn cơm, mụn cóc.
- Đưa một số ion thuốc vào cơ thể (điện di thuốc), và lấy một số ion ra khỏi cơ thể (tiêm Ca++ vào tổ chức).
3.2. Chống chỉ định.
- Chống chỉ định tương đối:
+ Viêm da nhiễm khuẩn: không đặt điện cực vào.
+ U ác tính.
+ Đăng chảy máu.
- Chống chỉ định tuyệt đối:
+ Sốt cao.
+ Tâm thần kích động mạnh.
+ Dị ứng dòng Galvanic.