Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Cấy chỉ vào huyệt, phương pháp chữa bệnh hiệu quả

Hiện nay, phương pháp chữa bệnh cấy chỉ vào huyệt đang được áp dụng khá hiệu quả cho hàng chục ca bệnh khó chữa như: di chứng liệt sau đột quỵ, di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt do viêm màng não và các loại bệnh thường gặp: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, đau lưng do thoái hóa cột sống, đau thần kinh cánh tay, đau thần kinh hông to, đau lưng...

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, từ những năm 1950, ngoài châm cứu truyền thống có nhiều hình thức mới tác động vào huyệt như: thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường), laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng)… trong đó có cấy chỉ vào huyệt.
Cấy chỉ (chôn chỉ) vào huyệt là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, kết hợp giữa đông và tây y, trên nền tảng châm cứu của đông y. Phương pháp này dùng dụng cụ đưa chỉ catgut (có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định) vào huyệt vị, sự tồn lưu của chỉ tại huyệt trong thời gian đó đã phát huy vai trò kích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, giảm đau…. Ngoài ra, cấy chỉ catgut có tác dụng tăng cường đồng hóa, giảm dị hóa, kèm theo tăng cao protein và hydratcarbon ở cơ, giảm nồng độ acid lactic cũng như giảm sự phân giải acid ở cơ. Vì vậy, cấy chỉ catgut góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ, làm tăng sinh lưới mao mạch, lưu thông máu trong lòng mạch ở các chi thể, kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Một trong những ưu điểm của phương pháp cấy chỉ vào huyệt làm tăng hiệu quả trong điều trị và phục hồi chức năng là một lần cấy chỉ 10 - 20 phút, khoảng cách giữa 2 lần 10 - 20 ngày, người bệnh không cần nằm viện và có thể điều trị nhiều bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, phương pháp này hầu như không gây phản ứng phụ do không dùng thuốc. Bệnh nhân có thể đau tại huyệt cấy chỉ, nguyên nhân quan trọng của nó là do thường dùng kim troca (kim chọc dò tủy sống) có kích thước to để đưa chỉ catgut vào huyệt vị (nên 1 lần cấy chỉ không quá 4 huyệt). Sau thời gian dùng kim troca, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam đã cải tiến dùng kim tiêm nhỏ để thay thế nên khắc phục được việc gây đau, cấy được nhiều huyệt và đặc biệt là kim dùng 1 lần nên đảm bảo vô trùng và tránh lây nhiễm bệnh tật; điều trị có kết quả nhiều ca bệnh như: bệnh nhân Hồ Thị Tuyết V (SN 1982) ở An Mỹ (TP.Tam Kỳ) bị đau lưng khoảng 1 tháng, cấy chỉ 1 lần hết đau đến nay khoảng 3 năm chưa tái phát; bệnh nhân Hứa Thị T (SN 1970) ở Duy Phước (Duy Xuyên) bị viêm khớp dạng thấp cấy chỉ 3 lần, trước cấy chỉ mỗi khi thời tiết thay đổi người bệnh đau nhức các khớp rất nhiều, sau cấy chỉ khi “trái gió trở trời” các khớp đau ít; ông Phạm Tấn S (SN 1951) ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bị đau lưng gần 10 năm, sau 2 lần cấy chỉ giảm đau khoảng 80%.
Quy trình kỹ thuật cấy chỉ đang ngày càng hoàn thiện, hạn chế các khuyết điểm như gây đau, chảy máu, dễ nhiễm trùng. Các chứng bệnh châm cứu được thì đều áp dụng cấy chỉ.
Một số chứng bệnh chữa bằng phương pháp cấy chỉ có kết quả tốt như : liệt nửa người, liệt mặt, liệt 2 chân; bệnh cơ xương khớp thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau thần kinh hông to (thần kinh tọa), đau xương khớp do phong thấp, đau vai gáy cổ, viêm quanh khớp vai; bệnh đường tiêu hóa: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính; bệnh đường hô hấp: hen phế quản, viêm phế quản; bệnh phụ nữ: đau bụng kinh, khí hư, hội chứng mãn kinh; bệnh ngũ quan: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, cận thị, loạn thị; béo phì, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình.
 BS LÊ THÂN
(Bệnh viện Y học cổ truyền)

5 bài thuốc phòng ngừa bệnh sởi hiệu nghiệm

SKĐS-Đây là bài thuốc của PGS TS Vũ Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, chúng ta có thể dùng một số bài thuốc để dự phòng bệnh sởi.

Bệnh sởi vẫn đang diễn biến phức tạp và lan truyền nhanh, đặc biệt là ở TP HCM, Hà Nội. Thời điểm này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên hữu hiệu nhất là chúng ta phải tự bảo vệ và chăm sóc bản thân mình.
Sởi là một loại bệnh dễ lây cho nên cần phải làm tốt công tác dự phòng ngăn ngừa bệnh lây lan và gây tử vong.
Trước khi phát bệnh sởi một vài ngày người mắc bệnh thường hơi sợ gió, phát nóng, hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ, ho hen, mỏi mệt, không muốn ăn hoặc có lúc lợm giọng nôn mửa...
Các biện pháp dự phòng:
- Nhà ở thoáng khí
- Trong khi có dịch sởi, không được cho trẻ đến nơi có dịch
- Không cho trẻ khỏe tiếp xúc trẻ bị sởi
- Chú ý: ăn uống bảo vệ sức khỏe trẻ em, đặc biệt thời gian cuối đông sang xuân.
Dự phòng về mặt thuốc men:
 5 bài thuốc phòng ngừa bệnh sởi hiệu nghiệm
Ngoài các phương pháp dự phòng ở trên, chúng ta có thể dùng một số bài thuốc để dự phòng. Đây là bài thuốc của PGS TS Vũ Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền. Cụ thể như sau:
Bài 1: Tử thảo cảm thảo thang
Đậu đen 12g, đậu đỏ 12g, tử thảo căn 4g, đậu xanh 12g.
Nước 2,5 bát sắc còn 1/2 bát uống ấm, cách 1 ngày uống 1 thang, mỗi đợt uống 5 thang.
Bài 2: Tử thảo 8g, cam thảo 4g. Nước 2,5 bát sắc còn 1/2 bát uống ấm, cách 1 ngày uống 1 thang, mỗi đợt uống 5 thang liền.
Bài 3: Tử thảo phòng ma phấn
Thăng ma 200g, cát canh 400g, tử thảo căn 200g, ngân hoa 400g, cam thảo 200g.
Tất cả tán bột để uống, liều lượng tùy theo tuổi.
- 1-6 tháng uống 2g/lần
- 6-12 tháng uống 4g/lần
- 12-18 tháng uống 8g/lần
- 2-2,5 tuổi uống 10g/lần
- 2,5-3 tuổi uống 12g/lần
- Trên 3 tuổi uống 14g/lần
Bài 4: Gia giảm lôi kích tán
Nha tạo 14g                  Hoắc hương 8g
Chu sa 10g                   Trần bì 8g
Hùng hoàng 10g            Khô phàn 8g
Tế tân 6g                      Xạ hương 1g
Bạch chỉ 6g                  Tân di 8g
Cát cánh 6g                  Bạc hà 8g
Quán chúng 8g              Phòng phong 8g
Bán hạ 8g                    Thương nhĩ tử 8g
Cam thảo 8g                Thương truật 12g
Các vị tán nhỏ trộn với 60g glyxerin để sau 1 đêm, dùng vải thưa vô trùng lọc kỹ, bỏ bã và lấy nước đã lọc cho vào lọ, bị kín tránh bay hơi.
Lúc dùng lấy 1 miếng bông nhỏ tẩm 1 giọt bôi và lỗ mũi, mỗi lần chỉ bôi 1 lỗ mũi, cách 7 ngày sau bôi lỗ mũi bên kia, cả thảy bôi 4 lần.
Bài 5: Thăng ma 2g, quán chúng 6g, cam thảo 4g. Nước 3 bát, sắc còn 1/2 bát, uống làm 3 lần. Cách ngày uống 1 thang và uống liền 3 thang liền.

Những dụng cụ không nên dùng khi sắc thuốc

SKĐS-Như ta đã biết, thuốc cổ truyền có thể sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau. Để trị bệnh mạn tính thường dùng các dạng thuốc hoàn, nang mềm, nang cứng… Để trị bệnh mang tính cấp tính hoặc một bệnh cụ thể nào đó, thường dùng dạng thuốc thang, đặc biệt loại thuốc sắc. Việc sắc thuốc cổ truyền đa phần tiến hành ở các gia đình người bệnh. Do vậy nhiều người cũng băn khoăn, không biết nên sử dụng loại dụng cụ  nào sắc thuốc sẽ cho hiệu quả tốt hơn. Dưới đây xin giới thiệu các loại dụng cụ nên dùng và nên tránh khi sắc thuốc.

Nên dùng dụng cụ bằng sành sứ để sắc thuốc.
Những loại nên dùng để sắc thuốc y học cổ truyền:
- Dụng cụ có chất liệu sành: loại dụng cụ  này là rất tốt, vì bản thân chất liệu sành là từ đất đã được nung ở nhiệt độ cao. Do đó đã loại  được các nguyên tố vi lượng trong đất : Fe, Cu, Al… là những thành phần có khả năng tham gia vào các phản ứng hóa học với các hợp chất hữu cơ có trong các vị thuốc  cổ truyền, làm giảm đi tác dụng của thuốc. Nhưng chúng có nhược điểm là thời gian đun để đạt tới độ sôi rất lâu, dễ nứt vỡ. Để tránh được các nhược điểm nói trên, hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại ấm sành, cung cấp nhiệt từ điện năng, có bọc lớp bảo vệ bằng inox. Có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sắc thuốc.
- Loại dụng cụ có chất liệu là inox, vừa đảm bảo được hoạt chất trong thang thuốc không bị oxy hóa, vừa tránh được các nhược điểm dễ bị  nứt vỡ, đun lại nhanh sôi, tiết kiệm được nhiên liệu. Có thể dùng nồi, ấm inox; hoặc các dụng cụ có các bộ phận cung cấp nhiệt từ điện năng, có thể điều chỉnh nhiệt độ để sắc thuốc,  sẽ cho hiệu quả cao.
- Loại dụng cụ có chất liệu là thủy tinh chịu nhiệt, cũng thỏa mãn được các yêu cầu  tốt như dụng cụ inox, nói trên.
Những loại không nên dùng để sắc thuốc
- Loại  dụng cụ có chất liệu nhôm, có thể sử dụng được cho việc sắc thuốc, đun nhanh sôi, không bị nứt vỡ. Tuy nhiên với những thang thuốc  có các vị thuốc trong thành phần chứa các hợp chất flavonoid như hoa hòe, trắc bách diệp, trần bì… thì không nên dùng nồi nhôm.
- Những dụng cụ có chất liệu đồng, gang, không được dùng  để sắc thuốc cổ truyền. Vì dụng cụ bằng đồng sẽ ảnh hưởng đến những vị thuốc chứa các hợp chất acid hữu cơ, hoặc các thành phần dễ bị ôxy hóa… hoặc với dụng cụ bằng gang sẽ ảnh hưởng đến những vị thuốc chứa các hợp chất tanin, polyphenol, mà đa số các dược liệu đều có.
Tóm lại, khi sắc thuốc cổ truyền, cần chọn một loại dụng cụ thích hợp mới có hiệu quả cao trong điều trị.           
  GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Sắc thuốc và uống thuốc Đông y sao cho hiệu quả?

SKĐS-Cách sắc thuốc và uống thuốc quyết định rất lớn về hiệu lực của thuốc với cơ thể bệnh nhân.

Sắc đúng = giảm tác dụng phụ của thuốc
Sắc thuốc và uống thuốc Đông y sao cho hiệu quả?
Sắc thuốc đúng cách phần nào giảm được tác dụng phụ của thuốc khi uống, đảm bảo chất lượng thuốc dùng cho bệnh nhân. Ấm thuốc sắc là yếu tố quan trọng đầu tiên. Nên sử dụng ấm đất, ấm sành, nồi nhôm, nồi thép không gỉ, nồi áp suất, ấm sắc thuốc bằng điện.
Lượng nước chỉ nên đổ ngập mặt thuốc khoảng 2cm. Nếu dùng ấm thuốc có vòi, nên lấy giấy gói thuốc lót dưới mặt vung và nút vòi ấm để ngăn không cho thuốc sôi bồng lên tràn ra ngoài. Khi mới sắc, để lửa to (vũ hỏa) cho chóng sôi. Khi đã sôi, tùy loại thuốc, dùng 1 trong 2 cách sau:
- Với thuốc cần lấy khí để chữa bệnh ở biểu, thanh nhiệt: vặn xuống mức lửa vừa để nước thuốc sôi nhẹ khoảng 20 phút để giữ khí của thuốc và hòa chất thuốc. Chỉ sắc 1 lần.
- Với thuốc cần lấy vị để chữa các bệnh hư tổn: vặn xuống mức lửa vừa nhỏ để sôi âm ỉ khoảng 60 phút để hòa tan chất thuốc và lấy vị. Điều chỉnh ngọn lửa để thuốc sôi nhưng không trào ra. Chắt lấy nước thuốc thứ nhất. Lại đổ nước vào ngập thuốc khoảng 1cm, tiếp tục sắc như trên, rồi lại chắt lấy nước thuốc thứ 2.
Cần lưu ý, thuốc là khoáng vật thì nên đập vỡ nhỏ, sắc 10 - 15 phút rồi mới cho thuốc còn lại vào sắc tiếp. Thuốc có sạn, đất (hoàng thổ, rễ lau) hoặc thuốc lượng lớn (lô căn, mao căn, trúc nhự, hạ khô thảo) sắc trước, chắt lấy nước làm nước sắc. Với thuốc cho vào sau như thuốc phương hương (thơm, có tinh dầu), khi sắp sắc xong mới cho thuốc vào; bạc hà, sa nhân, đậu khấu, nhục quế thì 4 - 5 phút sau bắc ra mới cho vào. Thuốc quý như nhân sâm cần thái lát, chưng cách thủy cho nhừ, chắt lấy nước sâm hòa với nước thuốc uống, bã sâm có thể ăn. Các thuốc khác như a giao, quy giao, lộc giác giao… sau khi đã sắc xong, chắt nước thuốc, cho cao vào, giữ nhiệt để hòa tan cao vào thuốc. Riêng với thuốc bột như Hoạt thạch tán mịn, nên cho vào vải rồi sắc để tránh khi chắt nước thuốc bột ra theo và khi uống sẽ vướng ở họng.
Trong khi sắc thuốc bằng các loại bếp cần, luôn có mặt để điều chỉnh ngọn lửa cho phù hợp, hoặc điều chỉnh nắp vung nồi cho thích hợp để thuốc không trào ra ngoài. Không để thuốc cạn hết và cháy. Nếu thuốc cạn, trào ra hết, cháy thuốc cần cho thêm nước cho đủ để chất thuốc có thể hòa tan tốt, không được cho thêm thuốc vào sắc trước hoặc sau khi sắc…
Uống đúng = mau hết bệnh
Khả năng chứa tối đa của dạ dày là 1,5 lít. Lượng thức ăn uống vào vừa mức sao cho lượng thuốc khi uống vào cũng vừa đủ. Người lớn thường uống một bát tương đương 250 ml/lần (thường nói đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát). Trẻ em thường giảm liều, bằng 1/2 hoặc 1/3 của người lớn. Với trẻ em nôn hoặc ỉa chảy, uống liều trên vẫn nôn, vẫn ỉa chảy thì giảm liều để dạ dày, ruột có điều kiện tiếp nhận thuốc, hấp thu thuốc.
Về thời gian uống thuốc, với bệnh cấp tính nên uống khi cần, bệnh mãn tính nên uống trước ăn một giờ. Nếu là thuốc có kích thích niêm mạc dạ dày, ruột, nên ăn xong rồi uống để giảm kích thích; nếu là thuốc dưỡng tâm an thần chữa mất ngủ, nên uống trước khi ngủ; nếu là thuốc chữa sốt rét, nên uống trước cơn sốt hai giờ.
Ngoài ra, cũng có thể uống thuốc theo kinh nghiệm cổ truyền: bệnh ở thượng tiêu (ngực trở lên đầu) thì ăn rồi uống thuốc; bệnh ở trung tiêu (cơ quan vùng bụng trên), hạ tiêu (cơ quan vùng bụng dưới, chi dưới) thì uống thuốc rồi ăn; bệnh ở kinh mạch tứ chi, uống thuốc vào sáng sớm lúc chưa ăn; bệnh ở xương tủy, uống thuốc lúc no vào buổi tối.
Việc uống thuốc nóng, thuốc nguội tùy thuộc trạng thái bệnh tật. Nên uống lúc thuốc còn ấm. Nếu là bệnh nhiệt, phải dùng thuốc hàn, song cũng uống lúc còn ấm để dạ dày dễ tiếp nhận thuốc vì uống thuốc nguội dạ dày dễ có phản ứng nôn.
Có những người sau khi uống xong thấy dễ chịu, bệnh giảm, không biểu hiện gì. Tuy nhiên, với một số người sau khi uống sẽ gặp các tác dụng phụ như uống xong lợm giọng như có cặn ở trong họng, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trướng bụng ỉa chảy hoặc sau khi ra mồ hôi, mồ hôi tiếp tục ra không dứt (người bị cảm lạnh), sau khi đi ngoài được rồi, tiếp tục ỉa chảy (ở người táo bón)… Với những trường hợp này, bệnh nhân cần báo ngay cho thầy thuốc để có hướng cắt, giảm hoặc thay đổi liều thuốc.
BS. CKII, Huỳnh Tấn Vũ – ĐH Y Dược TP.HCM

Rau sam thanh nhiệt, trị lỵ

SKĐS-Rau sam là loại rau rất thông dụng ở nước ta, mọc hoang và rất rẻ tiền. Rau sam giàu chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên ít người biết tác dụng chữa bệnh của nó. Rau sam chứa nước, protein, chất béo, carbohydrate, Ca, P; Fe; vitamin A, B1, C; các sắc tố nhóm betacyanidin... Theo Đông y, rau sam vị chua, tính lạnh, vào đại tràng, can và thận. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, mát máu, tán huyết tiêu thũng. Dùng cho hội chứng lỵ, viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu (đái dắt, đái buốt, đái ra máu và cặn sỏi), mụn nhọt lở ngứa.

Rau sam
Rau sam
Một số cách dùng rau sam làm thuốc:
Chữa lỵ:
Bài 1: rau sam 100g, cỏ sữa nhỏ lá 100g, sắc uống trong ngày; nếu đi ngoài ra máu, thêm cỏ nhọ nồi 20g, rau má 20g.
Bài 2: rau sam 20g, cỏ nhọ nồi 20g, lá nhót 20g, búp ổi 20g. Phơi hay sấy khô, tán thành bột mịn, làm viên hoàn. Ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 15g.
Bài 3: rau sam 50g, cỏ sữa nhỏ lá 50g, chỉ xác 20g, binh lang 20g, lá trắc bá 20g, vỏ rụt 20g, hoa hòe 20g. Sấy khô, tán bột. Uống 20g với nước vối.
Bài 4: Cháo rau sam: rau sam tươi 100 - 200g, gạo tẻ 90g cho thêm nước nấu cháo thêm chút muối, ăn khi đói. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng lỵ xuất huyết.
Bài 5: Rau sam xào: rau sam 250g, chiên với dầu thực vật, thêm chút muối ăn. Dùng cho các bệnh nhân có hội chứng lỵ.
Rau sam xào
Rau sam xào
Chữa đái buốt, đái ra máu:
Nước ép rau sam: rau sam 100g, rửa sạch, để ráo, giã vắt ép lấy nước, thêm nước sôi để nguội vào bã vắt lấy 100ml, thêm ít đường trắng khuấy đều. Ngày làm 3 lần. Dùng cho các trường hợp viêm sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, lở ngứa.
Nước ép rau sam hòa mật: Nước ép rau sam 60 - 100ml đun vừa sôi, thêm 20ml mật khuấy đều cho uống. Dùng cho sản phụ sau đẻ đau quặn bụng, tiểu dắt, buốt.
Chữa xích bạch đới: rau sam 100g, lòng trắng trứng gà 2 quả. Rau sam giã nát vắt lấy nước, thêm lòng trắng trứng vào; hấp chín. Ăn trong ngày, dùng liền 3 - 5 ngày.
Chữa chốc đầu trẻ em: Nước ép rau sam cô đặc, thêm ít mỡ lợn, trộn đều. Bôi lên chỗ chốc nhiều lần trong ngày.
Kiêng kỵ: Người bị hư hàn tiết tả (tiêu chảy) không dùng.

BS. Tiểu Lan

Xoa bóp giảm căng thẳng thần kinh

SKĐS-Sự căng thẳng do bị áp lực trong cuộc sống nếu không được giải tỏa nhất là đối với những người làm việc với cường độ cao, học sinh bị áp lực thi cử kéo dài có thể trở thành stress mạn tính dẫn suy nhược thần kinh, ... Để giảm bớt căng thẳng có thể áp dụng các động tác xoa bóp bấm huyệt sau đây.

Bài 1: Tập thở: Người thả lỏng toàn bộ cơ thể có thể (nằm ngửa, duỗi thẳng chân tay hoặc ngồi trên ghế tựa). Toàn bộ cơ thể thư giãn tập trung ý nghĩ về vùng đan điền (vùng hạ vị), loại bỏ mọi ý nghĩ khác. Thở chậm, sâu, đều, cụ thể hít vào từ từ hết sức, bụng phình ra, nín thở giữ hơi trong vài giây, thở ra từ từ hết sức, bụng thót lại, nín thở trong vài giây. Mỗi lần tập từ 5 đến 10 phút.
Bài 2: Làm nóng vùng gáy, giãn cơ và tăng tuần hoàn tại chỗ, tăng cường lưu thông máu lên não bằng cách đan hai bàn tay vào nhau, vòng ra sau đầu, ấp vào vùng gáy, xát lên xuống khoảng 20 lần.
Xoa bóp giảm căng thẳng thần kinh
Xoa bóp vùng gáy.
Bài 3: Thư giãn vùng mắt, chống mỏi mắt, giảm căng thẳng bằng cách duỗi thẳng các ngón tay, khép lại. Áp hai lòng bàn tay vào nhau, xát cho nóng lên. Sau đó, áp các ngón tay vào mắt (2 mắt nhắm) vuốt từ trong ra ngoài 10 - 15 lần. Dùng ngón cái và ngón trỏ véo da vùng gờ trên ổ mắt (dọc cung lông mày) từ trong ra ngoài 5 - 10 lần, làm 2 bên cùng lúc.
Xoa bóp giảm căng thẳng thần kinh
Xoa bóp giảm căng thẳng thần kinh
Mát xa vùng mắt chống mỏi mắt, giảm căng thẳng.
Bài 4: Giảm căng thẳng, đau đầu tác dụng tốt với những người luôn bị mất ngủ, do thần kinh căng thẳng… bằng cách dùng mu đầu ngón tay miết từ đầu trong gờ trên ổ mắt vòng lên trán, theo hình vòng cung ra đến thái dương rồi vòng lên trên ra sau tai, làm khoảng 15 đến 20 lần. Tiếp theo dùng các ngón tay lại như chiếc lược, chải tóc từ trước ra sau khoảng 20 - 30 lần, đầu các ngón tay miết mạnh xuống da đầu để thông kinh mạch vùng đầu. Sau đó đặt hai lòng bàn tay ở hai bên đầu đối xứng nhau, vỗ nhẹ vòng tròn xung quanh đầu theo chiều kim đồng hồ, hết tầm xoay của tay thì vỗ ngược lại. Khi vỗ, hai điểm tác động luôn phải đối xứng nhau. Làm khoảng 3 - 5 lần. Cuối cùng khép bàn tay, dùng phần gan bốn ngón tay (trừ ngón cái) vỗ nhẹ trên toàn bộ da đầu theo hướng từ đỉnh đầu ra trước, sang hai bên, ra sau xuống vùng gáy. Làm khoảng 3 - 5 lần.
Lưu ý: Bài tập này, có thể tranh thủ làm bất kì lúc nào trong ngày, lúc ngủ dậy, trước lúc ngủ trưa, ngủ tối hoặc những lúc giải lao giữa giờ làm việc. Có thể làm từng bài tập riêng hoặc áp dụng tuần tự từ bài 1 đến bài 4. Ngoài ra, cần chú ý là phải có chế độ sinh hoạt, ăn uống cân bằng, ngủ nghỉ ngơi, thư giãn đều đặn hằng ngày và tuyệt đối không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

Thạc sĩ Nguyễn Sơn

Khám phá những lợi ích bí ẩn của củ nghệ

SKĐS-Trước nay, củ nghệ (turmeric) thường được dùng về mặt điều vị, mùi vị thơm hắc của nó còn là món ăn chính của người Ấn Độ. Thật ra, củ nghệ cũng có rất nhiều tác dụng trong điều trị, người Ấn dùng một loại tinh chất từ nghệ để rửa mắt trong việc chữa viêm kết mạc. Có bằng chứng cho thấy, curcumin là thành phần hoạt chất chính trong nghệ, giúp tăng bài tiết dịch mật tiêu hóa chất béo, bảo vệ cho gan. Sau đây là một vài khám phá mới về hoạt chất thần kỳ curcumin trong nghệ.

Khám phá những lợi ích bí ẩn của củ nghệ

Đặc tính kháng viêm vượt trội
Tiêu diệt gốc tự do xấu nhất: nghiên cứu của Đại học Dược khoa Ấn Độ cho biết, curcumin là thành phần của rễ củ nghệ nằm dưới đất, có hoạt tính kháng sinh rất mạnh, giới y học đang đi sâu thăm dò khả năng tẩy trừ gốc tự do mang oxy của nó trong quá trình phản ứng viêm. Do có hoạt tính kháng viêm vượt trội, nó cũng có thể tẩy trừ gốc tự do thuộc superoxide radicals hiệu quả.
Điều trị cơn đau: curcumin sẽ ức chế tạo thành prostaglandin, chất này trong cơ thể có liên quan đến cơn đau do viêm gây ra, chẳng hạn như cơn đau trong bệnh thống phong. Cơ chế làm giảm cơn đau của nó tương tự như aspirin, ibuprofen, nhưng không mạnh bằng. Tuy nhiên, khi dùng với liều cao, curcumin sẽ kích thích tuyến thượng thận bài tiết cortisone, mà cortisone có hiệu lực rất mạnh để ức chế phản ứng viêm.
Điều trị viêm kết mạc: trong một nghiên cứu về vi khuẩn học, thuốc nhỏ mắt Haridra làm từ nguyên liệu củ nghệ, có khả năng kháng khuẩn với trực khuẩn E.coli, staphylococcus aureus, klebsiella và pseudomonas… Nghiên cứu căn cứ theo kết quả thử nghiệm 50 ca bệnh viêm kết mạc trên lâm sàng, cho rằng loại thuốc nhỏ mắt này đạt hiệu quả điều trị viêm kết mạc.
Điều trị viêm khớp: nghiên cứu của Đại học Y Dược Gandhi, dùng curcumin dạng uống cùng với cortisone acetate dạng tiêm điều trị cho chuột bị viêm khớp. Những chú chuột được điều trị bằng những thuốc này sau 13 ngày thì tình trạng viêm sưng tại khớp đỡ hơn thấy rõ so với nhóm chuột đối chứng. Hiệu nghiệm của nghệ đến từ hoạt tính chống histamine. Hoạt tính chống viêm của curcumin không thua kém nhiều so với cortison, nó có thể giảm nhẹ phản ứng viêm trong cơ thể động vật, cũng có thể giảm nhẹ triệu chứng viêm của bệnh viêm đa khớp dạng thấp (ở người). Nghiên cứu báo cáo cho thấy, tác dụng của 1.200mg curcumin sẽ tương đương với một loại thuốc kháng viêm là phenylbutazone 300mg.
Điều trị tổn thương gan: theo kết quả nghiên cứu trên người và ngoài cơ thể thuộc Đại học Tohoku (Nhật Bản) thì tinh chất từ nghệ quả thật phòng ngừa được những tổn thương do carbon tetrachloride (CCl4) gây ra trên gan. Đây là một chất hóa học độc hại, có mùi hôi như clor, nó thường được dùng trong chất tan công nghiệp và chất đông lạnh.
Phát huy hoạt tính chống ung thư
Hoạt tính chống đột biến: nghiên cứu của Viện nghiên cứu dinh dưỡng quốc gia Ấn Độ, thử nghiệm củ nghệ cho 16 người hút thuốc lâu dài về hoạt tính chống đột biến của urcumin. Người được thử nghiệm trong 1 tháng, mỗi ngày dùng 1,5g củ nghệ, kết quả cho thấy củ nghệ đã làm giảm chất gây đột biến trong nước tiểu của họ. Nghiên cứu nói rằng, củ nghệ có hoạt tính chống đột biến, do vậy cũng có thể là phương pháp dự phòng chứng ung thư bằng hóa học rất tốt.
Hoạt tính tẩy trừ gốc tự do: nghiên cứu khám phá tinh dầu nghệ (turmeric oil) và nhựa cây nghệ (turmeric oleresin) trong ống nghiệm biểu hiện hoạt tính tẩy trừ gốc tự do rất tốt. Với đột biến bệnh niêm mạc dưới lớp xơ (chứng ung thư), dùng tinh dầu nghệ, tinh chất từ nghệ, cũng như nhựa cây nghệ đều có tác dụng ức chế. Nhựa cây nghệ cũng có chứa tinh dầu nghệ, curcumin, cũng như các hợp chất nhựa cây khác. Tinh dầu nghệ và tinh dầu nhựa cây nghệ trong việc chống lại đột biến của AND có tác dụng “chung sức” bảo vệ.
Đối kháng với ung thư dạ dày và ung thư da: Đại học Northwestern, Mỹ khám phá rằng, curcumin I có thể ức chế benzopyrene gây ung thư trên chuột cái Thụy Sĩ (Swiss mice), mà curcumin III cũng có thể ức chế dimethybenzathracene (DMBA) gây ung thư trên chuột trụi lông Thụy Sĩ. Hai chất này đều là hợp chất phenol màu vàng trong củ nghệ. Tương tự, curcumin I cũng có thể ức chế DMBA gây ung thư da trên chuột cái Thụy Sĩ.
Curcumin hầu như có thể thay đổi hoạt tính của tác dụng chuyển hóa gây ung thư, hoặc loại bỏ được các độc tính, từ đó phát huy được hoạt tính chống ung thư. Hai loại curcumin đều thử nghiệm được ở ngoài cơ thể, ức chế được sự hình thành tế bào độc tính của bệnh ung thư máu ở người. Curcumin ức chế sự sinh sôi và phát triển của tế bào khối u, do vậy phát huy tác dụng chống ung thư.
Khám phá những lợi ích bí ẩn của củ nghệ

Bài thuốc thần kỳ chống bệnh AIDS?
Trong “Thông tin mới điều trị AIDS”, tác giả John S. James có một ghi nhận không chính thức rằng, tại Trinidad có 40% dân số người gốc Ấn, kế thừa thói quen của người Ấn Độ, trong ăn uống thường ngày có dùng cà ri. Bên cạnh đó, có 40% dân số người gốc Phi, rất ít dùng cà ri. Nghiên cứu đối chứng vớiAIDS tại Trinidad cho thấy, tỷ lệ người gốc Phi mắc AIDS cao hơn gấp 10 lần so với người gốc Ấn có ăn cà ri.
James còn phát biểu một báo cáo nghiên cứu không chính thức rằng, có một người bệnh AIDS bắt đầu dùng tinh chất củ nghệ, anh ta dùng tinh chất từ nghệ có nồng độ curcumin gấp 100 lần so với nghệ. Chế phẩm viên nang này có chứa 300mg tinh chất từ nghệ, trong đó chứa curcumin tiêu chuẩn hóa với nồng độ tối thiểu là 95%. Người bệnh uống 3 viên nang 300mg, ngày 3 lần, hay uống khoảng 2,5g curcumin. Một tuần sau khi bắt đầu điều trị, lấy máu người bệnh xét nghiệm, phát hiện kháng nguyên p24 – loại kháng nguyên có thể thông qua số lượng cho phương pháp làm chuẩn để đánh giá hoạt tính virus – giảm xuống thấy rõ.
Nghệ còn giúp chống lão hóa da, ngăn ngừa sự hình thành các nếp nhăn, vết nám, làm cho da mịn màng, tươi trẻ. Nghệ còn hỗ trợ chống viêm, loét do ức chế các chất trung gian gây viêm như cyclooxygenaza (COX - 2), lipooxy-genaza (LOX)… Hỗ trợ chống xơ vữa động mạch do cholesterol và tăng độ bền mao mạch ngoại vi.
 Lương y Bàng Cẩm

Một số thực phẩm và món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu


SKĐS-Những ngày này, nhiều trẻ bị mắc thủy đậu, việc ăn uống đúng CÁCH giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe, TRÁNH biến chứng.

Cháo đậu xanh, món ăn thanh nhiệt, giải độc cho người bị bệnh thủy đậu
Cháo đậu xanh, món ăn thanh nhiệt, giải độc cho người bị bệnh thủy đậu

Cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu:
- Bệnh diễn biến khoảng 7 - 10 ngày, nếu không có nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn da và các biến chứng khác, thường có thể tự khỏi một cách tự nhiên.
- Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ sốt, cho ăn uống đủ chất. Cho trẻ ăn nhiều bữa, thức ăn lỏng, tăng thành phần dinh dưỡng, để tăng cường sức đề kháng, hạn chế biến chứng. Cho bệnh nhân nghỉ ngơi tại giường, hạn chế tiếp xúc và đi lại.
- Nếu thấy nốt phỏng có dạng nước đục, tức là có bội nhiễm vi khuẩn, hoặc thấy trẻ ho, sốt tăng trở lại, người mệt mỏi, đau đầu, nôn... có thể trẻ đã bị một trong các biến chứng hay gặp như: viêm da, viêm phổi, viêm não - màng não, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
- Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Vắc-xin được tiêm lúc trẻ được một tuổi trở lên.

Bệnh thủy đậu là do virút Varicella Zoster gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào cuối đông đầu xuân, kéo dài sang hè.
Bệnh nhân thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, 24 - 48 giờ sau bắt đầu sốt. Đến ngày thứ 3, bắt đầu phát ban trên da, mới đầu là mụn rát đỏ, sau vài giờ, nốt nổi phỏng trên da.
Mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ. Mụn nước có kích thước từ l - 3mm, chứa dịch trong, ở những trường hợp nặng, mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi khuẩn, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Biến chứng phổ biến nhất của bệnh là nhiễm trùng da có thể dẫn đến sẹo. Những vết sẹo này thường là sẹo lõm trên da, gây mất thẩm mỹ và thường lưu lại đến hết đời.
Thủy đậu rất dễ lây lan trong cộng đồng.
Nên tránh
Trong lúc bị bệnh, nên tránh các thức ăn nhiều dầu mỡ, tránh ăn thức ăn nóng và có tính bổ dưỡng quá. Tốt nhất nên dùng thức ăn thanh đạm, đầy đủ các chất dinh dưỡng và dưới dạng thức ăn lỏng hoặc nửa lỏng, dễ tiêu hóa, như cháo đậu xanh, cháo củ năng-ý dĩ, cháo củ năng - lá tre non, cháo gạo lứt, cháo kim ngân hoa, cháo tiểu mạch, cháo miến đậu xanh, măng tây, trứng, chuối, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, cà rốt, củ cải trắng, bí đao, rau bồ ngót, rau sam, rau má, mướp đắng, rau dền, cải thảo, cải bắp, rau diếp, ngải cứu.
Người bệnh thủy đậu nên ăn bí đao, mướp đắng, đậu xanh, đậu đen, khoai tay, cải bắp, ngải cứu,...
Người bệnh thủy đậu nên ăn bí đao, mướp đắng, khoai tây, cải bắp, ngải cứu,...

Gạo lứt, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen rất tốt cho người bệnh thủy đậu
Gạo lứt, đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen rất tốt cho người bệnh thủy đậu
Những người đang bị bệnh thủy đậu nên tránh ăn các loại gia vị cay nóng như: gừng, hành, tỏi, hành tây, tỏi tây, ớt, hạt tiêu, thì là, cà ri, mù tạt, rau mùi, các loại thịt như thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, ngỗng, lươn, các loại hải sản (tôm, cua, sò, ốc…), trái vải, long nhãn, mận, xoài chín, mít, hồng, anh đào, rau muống, các chất nhiều béo như hạt dẻ, đậu phụng rang, hạt dưa rang, đậu chiên, các loại bánh rán, các thức ăn chiên xào, mỡ động vật…
Kỵ nhất là nhục quế, vì nhục quế có tính đại nhiệt, thuần dương, tác dụng ôn nhiệt trợ hỏa, quá khô táo, làm tổn hại âm chất, rất nguy hiểm cho bệnh nhân thủy đậu.
Nên làm
Dùng thực phẩm chứa nhiều vitamin C như: chanh, cam, bơ, dâu tây, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo, cà chua...
Vitamin C có tác dụng giúp tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, đẩy nhanh quá trình sản sinh ra collagen, phòng ngừa sẹo lõm.

Một số thực phẩm và món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu
Thực phẩm giàu vitamin C tăng cường đề kháng, chống nhiễm trùng
Sau khi lành bệnh, các vết thương bắt đầu khô miệng và lên da non, nên sử dụng nghệ tươi ngay lúc này để trị sẹo lõm sau thủy đậu.
Cách làm: rửa sạch củ nghệ, cạo nhẹ lớp vỏ bên ngoài để phần nước từ bên trong được tiết ra. Thoa nước này đều xung quanh vùng sẹo mỗi ngày một lần trước khi đi ngủ, để qua đêm và rửa sạch vào sáng hôm sau, rồi sau đó tiếp tục bôi lên một lớp khác.
Một số món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu
Nước tam đậu, cam thảo:
Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, mỗi thứ 100g, cam thảo bắc 2g.
Nấu với 1 lít nước, sắc còn 500ml, chia 2 - 3 lần cho trẻ uống trong ngày.
Các món canh ngon từ rau ngót và thịt heo.
Canh thanh nhiệt:
Đậu xanh, củ năng, rễ tranh, đọt tre non, cà rốt, mỗi thứ 20 - 30g. Nấu với 1 lít nước, sắc còn 650ml, chia 2 lần cho trẻ uống trong ngày (nếu trẻ bị suyễn, ho, thì không dùng củ năng và cà rốt).
Món canh này có tác dụng tư nhuận, hạ hỏa, rất có ích cho người bị thủy đậu, sốt cao, người nóng bứt rứt.
Kim ngân hoa
Kim ngân hoa
Nước kim ngân hoa:
Kim ngân hoa 10g, nước mía 20ml. Nấu với 500ml nước, sôi khoảng 10 phút. Ngày uống một lần, uống liên tục 7 - 10 ngày, để giúp sơ phong thanh nhiệt, hạ sốt.
Cháo đậu đỏ, ý dĩ:
Ý dĩ nhân 20g, đậu đỏ 30g, thổ phục linh 30g, gạo tẻ 100g.
Một số thực phẩm và món ăn có ích cho người bị bệnh thủy đậu
Tất cả rửa sạch, nấu với lương nước thích hợp thành cháo. Chia ăn 3 lần trong ngày, với ít đường cát trắng hoặc đường phèn.
Món cháo này có tác dụng giải độc trừ thấp, đặc biệt thích hợp cho thủy đậu đã được ra, nhưng vẫn còn sốt, nước tiểu vàng đỏ, người mệt mỏi, chán ăn.
Cháo đậu, thịt heo:
Gạo tẻ 80g, đậu đỏ 30, đậu xanh 30g, thịt heo băm nhỏ 50g. Tất cả nấu với lượng nước thích hợp thành cháo nhừ. Dùng ăn vào lúc đói bụng.
Món cháo này dễ tiêu, rất tốt cho người bệnh thủy đậu, có sốt nhẹ.
Nước rau sam:
Khi bị thủy đậu, có thể dùng rau sam tươi 100 - 120g, rửa thật sạch, ép lấy nước, uống trong ngày.
Nước rau sam có tác dụng giải nhiệt, kháng viêm, ngừa mụn nhọt, rất tốt cho người bị thủy đậu.

Lương y ĐINH CÔNG BẢY

Lô căn thanh nhiệt, trừ phiền

SKĐS-Lô căn còn có tên khác là lô vi căn, rễ sậy, vi hành, là phần thân rễ dưới mặt đất của cây lau hoặc cây sậy. Theo Đông y, lô căn vị ngọt, tính hàn; vào các kinh: phế, vị và thận. Có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, chỉ ẩu trừ phiền.

Lô căn

Lô căn (rễ sậy)
Chữa chứng nhiệt thương tân, phiền nhiệt, miệng khát, vị nhiệt gây nôn, phế nhiệt sinh ho. Liều dùng: 20 - 63g dạng khô. Dùng tươi thì liều gấp nhiều lần. Một số bài thuốc có dùng lô căn:
Mát phổi, dịu ho: lô căn 24g, ý dĩ nhân 24g, đào nhân 8g, đông qua tử 24g. Sắc uống. Chữa các chứng sưng phổi (sưng phổi có mủ), ho khạc ra đờm hôi tanh, trong đờm lẫn máu. Còn dùng cho các chứng thực nhiệt ở trong kinh phế: ho do cảm mạo phong nhiệt, viêm phế quản cấp tính.
Trị các chứng tỳ nhiệt gây nôn (như viêm dạ dày cấp tính), tim bứt rứt hồi hộp: lô căn tươi 63g, trúc nhự 12g, nước gừng vừa đủ, ngạnh mễ 8g. Sắc uống. Trị các chứng tỳ nhiệt nôn mửa, tim bứt rứt hồi hộp.
Sinh tân dịch, giải khát, trị chứng dạ dày khô táo, tân dịch xấu, miệng khát lưỡi khô: lô căn 24g, mạch môn 16g, thiên hoa phấn 16g, cam thảo 4g, có thể thêm trúc nhự 16g. Sắc uống. Trị bệnh ôn thời kỳ cuối, tân dịch thương tổn, miệng khát.
Ngũ chấp ẩm: dùng nước ép 5 loại: lê, củ năng, rễ sậy tươi, mạch môn, ngó sen để lạnh cho uống. Dùng cho bệnh nhân bị các bệnh nhiễm siêu vi, nhiễm khuẩn sốt nóng, khát nước.
Cháo lô căn, trúc nhự, sinh khương: lô căn tươi 150g, trúc nhự 15g, gạo tẻ 50g, gừng tươi 4g. Lô căn, trúc nhự sắc lấy nước; đem nước sắc nấu với gạo thành cháo, đập thêm gừng tươi, để nguội cho ăn. Dùng cho các trường hợp sốt cao mất nước, áp-xe phổi, viêm khí phế quản cấp sốt nóng nhiều đờm.
Nước sắc lô căn: lô căn 80 - 100g. Sắc đặc uống thay nước chè. Dùng cho các trường hợp nôn ói liên tục không cầm.
Nước lô căn hãm đường phèn: lô căn tươi 120g, đường phèn 50g; thêm nước đun cách thủy, vớt bỏ bã, uống thay nước chè. Dùng cho các bệnh nhân viêm hôi miệng, sốt nóng khát nước, nôn ói do nhiễm độc thai nghén.
Nước chè lô căn: lô căn tươi hoặc khô nấu nước, pha nước uống thay chè. Dùng cho các trường hợp viêm quanh răng (nha chu viêm), viêm lợi xuất huyết.
Lô căn hoàng cầm ẩm: lô căn tươi 150g, hoàng cầm 15g. Lô căn rửa sạch, cắt đoạn cùng hoàng cầm sắc lấy nước, pha thêm chút đường cho uống. Ngày làm 1 lần, chia dùng vào buổi sáng, chiều tối. Dùng cho các bệnh nhân viêm, giãn khí quản, lao phổi có triệu chứng khái huyết.
Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn kiêng dùng.
TS. Nguyễn Đức

Thăng ma, chủ vị trị cảm nhiệt

SKĐS-Thăng ma là thân rễ của cây thăng ma, Bắc thăng ma hoặc Tây thăng ma (Cimicifuga sp.). Theo Đông y, thăng ma vị ngọt, cay, hơi đắng, tính hơi hàn. Vào các kinh phế, tỳ, vị và đại trường. Có tác dụng giải biểu thấu chẩn, thanh nhiệt giải độc, thăng dương cử hãm. Chữa ngoại cảm phong nhiệt sinh đau đầu, sởi mọc chậm và không đều, các chứng nhiệt độc, trung khí hư nhược hoặc khí hư hạ hãm. Thăng ma được dùng làm thuốc chữa các bệnh.
Thăng ma, chủ vị trị cảm nhiệt
Thăng ma thanh nhiệt giải độc, là vị thuốc tốt trịsởi, cảm nhiệt.
Thúc sởi, tống độc: Dùng với các chứng nhiệt độc âm ỉ, ban sởi không mọc được, miệng lưỡi phát nhọt.
Bài 1: Thăng ma 12g, phù bình 12g, đậu sị 12g, ngưu bàng tử 8g, liên kiều 8g, cát căn 8g, thuyền thoái 4g. Sắc uống, ngày 1 thang (tùy theo tuổi). Chữa sởi.
Bài 2: Thang Thăng ma cát căn: thăng ma 4g, xích thược 6g, cát căn 12g, cam thảo 2g. Sắc uống. Trị sởi mới chớm nhưng do bế tắc phong hàn sởi mọc không đều; hoặc vì đi tả mà sởi lặn mất không mọc lên được.
Bài 3: Bột Thanh vị: thăng ma 4g, mẫu đơn bì 2g, sinh địa 1,5g, quy thân 1,5g, hoàng liên 1,5g. Sấy khô, tán bột. Hãm hay sắc uống. Trị dạ dày nóng, miệng phát nhọt, lợi lở loét, chảy máu.
Thăng dương, thông tắc: Các trường hợp dương khí hãm xuống, thiếu khí nên ngại nói, tử cung, trực tràng sa xuống.
Bài 1: Thang thăng hãm: hoàng kỳ 20g, thăng ma 4g, tri mẫu 8g, cát cánh 8g. Sắc uống. Trị chứng hơi trong ngực hãm xuống, thiếu hơi.
Bài 2: Thăng ma 12g, ích mẫu thảo 80g, tông thụ căn 100g, quả mộc thông 2 lá 100g. Cho thuốc vào tần với gà mái tơ, chia ăn nhiều lần. Cách một tuần ăn 1 con. Trị sa tử cung.
Bài 3: Bổ trung ích khí thang: nhân sâm 10g, hoàng kỳ 12g, đương quy 8g, bạch truật 8g, thăng ma 6g, sài hồ 6g, trần bì 4g, cam thảo 6g. Bổ tỳ vị, ích khí thăng dương. Trị suy nhược cơ thể, khí hư, sa tử cung, sa trực tràng (lòi dom), tỳ vị suy yếu.
Kiêng kỵ: Khi sởi đã mọc hết, hen suyễn nghịch khí thì kiêng dùng. Vị dược liệu kích thích dễ gây nôn, liều cao gây chóng mặt.

BS. Tiểu Lan

Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Liên hệ

Để thuận lợi cho bệnh nhân ,chúng tôi làm việc vào thời gian sau .Xin kính báo với  bệnh nhân.Bạn và người thân xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
Phòng khám Đông Y - Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng Bs CKYHCT : Vũ Văn Điều
Số 5A/37 Nam Pháp I- Lạch Tray - Quận Ngô Quyền - Thành Phố Hải Phòng
Điện thoại : 0989.411.838
Email : vuvandieuhp@gmail.com
Thời gian làm việc : T2-T6   Chiều 17h30 -19h30 , T7 , Chủ nhật làm cả ngày.

Bài thuốc chữa chứng dương khí hư

SKĐS Dương, khí hư thường biểu hiện tay chân lạnh, mệt mỏi, kém hưng phấn, có khi đang mùa hè cũng sợ lạnh sợ gió. Theo y học cổ truyền, dương, khí phần nhiều do thiên thiên bất túc, bệnh ốm lâu ngày cơ năng nội tạng suy giảm, nguyên nhân có liên quan đến ăn uống không phù hợp, lạm dụng thực phẩm chua, đắng, lạnh quá mà phát sinh một số chứng như: tỳ hư tiết tả, cầu phân sống, nhiều mồ hôi, ho, cảm lạnh, sinh lý yếu... Dưới đây là một số bài thuốc có tác dụng chữa thể chứng khí hư thường gặp:
Thể tỳ khí hư:
Biểu hiện lạnh bụng mỗi khi ăn phải thức ăn sống, lạnh hay bị đau bụng đi cầu. Phép trị: ôn bổ tỳ vị. Bài thuốc: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, chích thảo 6g, hoài sơn 14g, can khương 10g. Tán bột mịn, hoặc sắc uống. Công dụng: bổ khí kiện tỳ dưỡng vị.
Chích thảo.
Chích thảo.
Thể khí hư tiết tả:
Biểu hiện hay bị đầy bụng, nôn ói, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài... Phép trị: ôn tỳ hòa vị, hóa thấp, cầm tả. Bài thuốc: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục linh 12g, hoài sơn 12g, liên nhục 12g, cát cánh 8g, ý dĩ 14g, sa nhân 6g, trần bì 10g, chích thảo 4g, đại táo 6g, sinh khương 3 lát. Cách dùng: tán nhỏ làm hoàn hoặc sắc uống... Tác dụng: bổ khí, kiện tỳ, hòa vị, thấm thấp, trị tỳ vị hư, tiêu chảy kéo dài, chân tay vô lực, trẻ em biếng ăn chậm lớn, tiêu hóa kém, viêm phế quản mạn tính, phụ nữ có thai ăn kém, buồn nôn.
Thể khí hư hạ hảm:
Biểu hiện hay bị mệt mỏi, nhiều mồ hôi, đi cầu sống phân hay bị cảm mạo, phát sốt sợ lạnh... Phép trị: ích khí kiện tỳ thăng dương. Bài thuốc: hoàng kỳ 18g, nhân sâm 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, thăng ma 12g, sài hồ 12g, đương quy 14g, trần bì 10g, sinh khương 3 lát. Sắc uống. Công dụng: bổ tỳ ích khí, thăng dương.
Thể phế khí hư ho thở:
Biểu hiện hay ho, thở đoản hơi, tiếng nói nhỏ, sợ gió, đờm đặc vàng mặt nhợt nhạt: Phép trị: bổ khí thanh phế, chỉ khái định suyễn. Bài thuốc: tắc kè 2 con, hạnh nhân 20g, cam thảo 20g, nhân sâm 80g, phục linh 80g, bối mẫu 80g, tang bạch bì 80g, tri mẫu 80g, sinh khương 10g. Làm hoàn ngày 3 lần/12g. Công dụng: ích khí thanh phế, chỉ khái định suyễn. Dùng rất tốt với chứng phế khí hư ho lâu ngày, đờm đặc vàng, người gầy dần, hoặc mặt mắt phù.
Thể thận khí hư:
Biểu hiện có tuổi hay đau lưng mỏi gối chân lạnh chân, tiểu không tự chủ, sinh lý yếu... Phép trị: ôn bổ thận dương. Bài thuốc: thục địa 20g, hoài sơn 18g, đơn bì 12g, phục linh 12g, trạch tả 12g, quế chi 12g, phụ tử 4g, nhân sâm 12g, cẩu kỷ 14g, đỗ trọng 14g, cam thảo 4g. Tán bột làm hoàn, hoặc sắc uống... Công dụng: ôn bổ thận dương...

Lương y Minh Phúc

Thuốc Nam và thực phẩm dùng trong bệnh kiết lỵ mùa hè

  • (SKĐS) Mùa hè với tiết trời nắng nóng, oi bức, là điều kiện thuận lợi để gây ra các bệnh của đường tiêu hóa, trong đó bệnh kiết lỵ là thường gặp nhất. Đông y có những bài thuốc hay để điều trị chứng bệnh này.Rau sam là một trong những vị thuốc điều trị kiết lỵ
    Rau sam là một trong những vị thuốc điều trị kiết lỵ
    Thuốc Nam và thực phẩm dùng trong bệnh kiết lỵ mùa hè
    Thuốc Nam và thực phẩm dùng trong bệnh kiết lỵ mùa hè
    Hoa dâm bụt trắng
    Hoa dâm bụt trắng
    Lá mơ
    Lá mơ
    Cây mã đề
    Cây mã đề

Y học hiện đại cho rằng, bệnh kiết lỵ do Amip, hoặc các trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống, nước rửa rau quả; ruồi, thú vật nuôi có mang mầm bệnh; do tay bẩn, các bào nang dính dưới móng tay cầm thức ăn.
Theo Đông y, những nguyên nhân có thể gây bệnh kiết lỵ:
- Do ăn uống thất thường, khi no quá khi đói quá, ăn uống các thức ăn, thức uống có chứa nhiều nhiệt khí và thấp khí (Đông y gọi là thấp nhiệt), dễ bị nhiễm khuẩn, làm tích độc ở đường ruột, làm thương tổn hệ tiêu hóa mà sinh ra.
- Do thời tiết nhiều khí thử nhiệt (khí nắng nóng gắt), kết hợp với khí ẩm thấp, làm cho tạng phủ bất hòa, tỳ vị thương tổn cũng phát bệnh.
- Do ưa thích ăn uống đồ mát lạnh (nước giải khát ướp lạnh, hoa quả ướp lạnh, bia lạnh, kem lạnh, nước đá…), sau khi vào đến dạ dày và đường ruột, các loại này sẽ gây kích thích, khiến cho mạnh máu của dạ dày và đường ruột bị co thắt, dễ dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ.
Triệu chứng của bệnh kiết lỵ thường: đau bụng ở manh tràng (hố chậu phải), dọc theo khung đại tràng, đi cầu nhiều lần nhưng có lần ra phân, có lần không ra phân, ngày đi cầu 5 - 10 lần..
Thường đi cầu ra phân lỏng, sau đó ra chất nhầy có lẫn máu, mủ, mùi hôi tanh.
Người bệnh có thể sốt nhẹ, có thể không. Nếu bệnh do nhiễm khuẩn Shigella thì có sốt cao.
Một số bài thuốc
Kiết lỵ đi cầu ra nhiều máu:
- Rau sam tươi 200g, rửa thật sạch, giã vắt lấy nước cốt, đem đun sôi rồi pha thêm một muỗng cà phê mật ong. Cho uống vào lúc đói bụng. Có thể đem hòa nước rau sam với nước cơm để uống.
- Hoa dâm bụt đỏ, phơi khô trong im (phơi âm can), tán thành bột. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, vào lúc đói bụng. Uống với nước ấm.
- Là non cây ích mẫu 20 - 30g, nấu cháo với 50g gạo tẻ để ăn vào lúc đói bụng.
- Hạt sen (bỏ tim, sao vàng), mè đen (sao thơm), củ khoai mài (sao thơm). Ba thứ tán bột mịn.
Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 24 - 30g bột, trộn đều với mật ong, uống với nước ấm.
- Hoa hồng đỏ (hoặc hoa cúc bách nhật), hoa tường vi, mỗi thứ 16 - 20g, nấu với 750ml, sắc còn 200ml, thêm ít đường phèn, chia 2 lần uống trước khi ăn.
Kiết lỵ đi cầu ra nhiều mủ:
- Rau sam tươi 200g, rửa thật sạch, giã vắt lấy nước cốt, đem đun sôi rồi pha thêm một muỗng cà phê đường trắng. Cho uống vào lúc đói bụng.
- Hoa dâm bụt trắng, phơi khô trong im, tán bột, uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, lúc đói bụng. Uống với nước ấm.
- Hoa kim ngân (sao vàng thơm) tán bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 8 - 12g với nước đường phèn, vào lúc đói dụng.
- Củ cải trắng ép lấy nước 500ml, nấu chín rồi hòa với đường trắng. Chia 3 lần uống trước bữa ăn.
- Hạt mùi (ngò) sao thơm, tán bột. Ngày uống 2 lần mỗi lần 8 - 12g với ít nước đường, vào lúc đói bụng.
Kiết lỵ ra nhiều máu lẫn mủ (xích bạch lỵ):
- Rau sam 50g, lá phượng vĩ (cây seo gà) 20g, bông mã đề 15g, lá mơ lông 15g. Các thứ trên cho vào nồi, đổ hai bát nước, sắc còn một bát, chia uống hai lần.
- Rau sam 50g, rau má 30g, cỏ mực 30g, cỏ sữa lá nhỏ 20g, vỏ quýt 2g.
Các thứ trên rửa thật sạch, cho vào nồi, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
- Dùng cả hoa dâm bụt trắng lẫn hoa dâm bụt đỏ, phơi khô trong bóng râm, tán bột, uống ngày 2 lần, mỗi lần 12 - 16g, lúc đói bụng. Uống với nước ấm.
- Lá mơ lông tươi 30 -50g rửa sạch, xắt nhỏ, trộn với 1 cái lòng đỏ trứng gà, bọc trong lá chuối, nướng chín đều. Ngày ăn 2 lần.
Nếu uống thêm nuớc sắc hoa mã đề thì hiệu quả càng tăng.
- Cây mã đề (cả rễ và hoa lá) 24g, rễ cây ý dĩ 20g. Nấu với 750ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống lúc đói.
- Rau má 100g, cỏ sữa lá nhỏ 30g. Hai thứ rửa thật sạch, cho vào nồi, nấu với 500ml nước, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày, uống vào lúc đói. Uống liên tục trong 3 ngày.
- Rau dền (cả trắng và đỏ) 100g, rau sam 100g, rau đay 20g. Ba thứ rửa thật sạch, nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml. Chia uống 2 lần trong ngày. Uống liên tục trong 3 ngày.
- Hạt mè xát bỏ vỏ, sao thơm, tán bột. Ngày dùng 3 - 4 lần, mỗi lần 6 - 12g, uống với nước chín, hòa với ít mật ong để uống.
Dùng thực phẩm hợp lý:
Khi bị bệnh kiết lỵ thì không nên ăn các thức ăn có chất tanh (tôm, cua, sò, ốc), thức ăn béo ngậy (chứa nhiều dầu, mỡ), các chất cay nóng (quế, tiêu, ớt, gừng, tỏi, hành…), thức ăn uống sống lạnh (rau sống, kem, nước đá, hoa quả ướp lạnh). Nên giảm bớt thực phẩm giàu protein như sữa bò, cá, thịt, trứng... trong bữa ăn hàng ngày.
Những thức ăn có vị đắng như: mướp đắng, rau đắng, rau má, atisô, trà xanh… có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, có thể giúp cho tinh thần thư thái, không bị nóng bứt rứt, ăn ngon miệng...
Tuy nhiên, nếu ăn uống một lượng quá nhiều thức ăn có vị đắng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, gây buồn nôn hoặc đau bụng, đi cầu lỏng…
Người bị kiết lỵ nên ăn những thức ăn thanh đạm, nấu loãng, dễ tiêu hóa, không có nhiều xơ khó tiêu, và dầu mỡ. Nếu bị bệnh mạn tính, cần ăn các món ít xơ bã, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu, không có tính kích thích.
Những thực phẩm có ích cho người kiết lỵ gồm có: gạo lứt, gạo tẻ, gạo nếp, hạt sen, khoai mài, củ sen, đậu xanh đậu ván, đậu Hà Lan, đậu non, cà rốt...
Cách chế biến món ăn chủ yếu là nấu thành canh, thành cháo, không cho dầu mỡ. Người bị mất nước nhiều có thể uống thêm nước oresol, nước muối đường (1/8) pha loãng, nước cháo cà rốt.
Phòng ngừa
Nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính dẫn đến kiết lị và các bệnh đường tiêu hóa, cho nên để phòng ngừa kiết lỵ, cần lưu ý giữ an toàn vệ sinh trong việc ăn uống.
Phải rửa tay thật sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, thường xuyên giữ gìn vệ sinh răng miệng. Luôn luôn ăn chín, uống sôi.
Nếu ăn rau sống cần rửa thật sạch, rửa đúng cách. Các thức ăn nấu chín cần che đậy kỹ, tránh ruồi nhặng.
Thức ăn nên dùng các loại tươi, sạch, có xuất xứ rõ ràng. Không nên lưu trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh. Tốt nhất nên sử dụng liền sau khi mua về. Nếu trữ các loại hoa quả trong tủ lạnh, thì phải được rửa sạch trước khi để vào, khi lấy ra ăn nên nhớ rửa lại. Những thức ăn còn thừa cất giữ trong tủ lạnh, khi lấy ra ăn cần phải hâm nóng lại.
Ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng, điều độ, có giờ giấc, chia ăn làm nhiều bữa, nhai kỹ thức ăn, uống đủ nước sạch.
Lưu ý việc vệ sinh phân, rác, quản lý việc dùng phân trong nông nghiệp.
Đặc biệt, nơi sống tập thể và người phục vụ ăn uống, cấp dưỡng, nuôi dạy trẻ phải sạch sẽ.
Vào mùa hè oi bức, nên lưu ý kết hợp giữa lao động và nghỉ ngơi, để tránh quá mệt mỏi; ngủ đủ giấc và giữ cho tinh thần được nhẹ nhàng, thoải mái.
Lương y Đinh Công Bảy